Bắc Giang: Đưa 120 nghìn công nhân trở lại làm việc vào tháng 11

GD&TĐ - Với mô hình “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất” nếu hiệu quả, Bắc Giang có thể đạt mục tiêu đưa khoảng 120 nghìn CN trở lại làm việc với giá trị SX ước tính 15.000 tỷ đồng/tháng từ cuối tháng 11.

Công nhân lao động được kiểm tra, xét nghiệm Covid-19.
Công nhân lao động được kiểm tra, xét nghiệm Covid-19.

Hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tổ chức hoạt động sản xuất trở lại của các doanh nghiệp phải bảo đảm hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Bắc Giang đặt mục tiêu đưa hầu hết doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động sản xuất trở lại từ 1/7. Bắc Giang cũng dự tính sau một tháng (hết tháng 7/2021) khôi phục công việc cho khoảng 30 nghìn lao động với mục tiêu giá trị SXCN tháng 7/2021 đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng.

Kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang chỉ ra 7 giải pháp, số lao động khôi phục việc làm tăng lên 50 nghìn người vào cuối tháng 8 và hơn 120 nghìn lao động vào cuối năm 2021.

Tương ứng với lượng lớn lao động quay trở lại làm việc trên, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang dự tính đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng vào tháng 7, tháng 8 là 10 nghìn tỷ đồng trước khi lên khoảng 12 nghìn tỷ vào tháng 9 và tháng 10/2021. Từ tháng 11/2021 trở đi, khi sản xuất gần như trở lại bình thường, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính dự kiến lên tới 15 nghìn tỷ đồng/tháng.

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, theo lộ trình, đến hết tháng 7, Bắc Giang có khoảng 7 nghìn chỗ ở, đến hết tháng 8 khoảng 12 nghìn, hết tháng 10 có khoảng 25 nghìn chỗ, còn từ cuối tháng 11 đạt trên 35 nghìn chỗ.

Để giải quyết bài toán doanh nghiệp thiếu hụt về lao động, tỉnh Bắc Giang cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đã ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp trở lại làm việc.

Đồng thời, thành lập Tổ kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp từ đầu tháng 6/2021 chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xác nhận người lao động đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Đặc biệt, điều phối hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động trở lại làm việc bảo đảm thời gian theo phương án phòng dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp. Cụ thể, thực hiện ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa.

Khi được phân bổ vắc-xin, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN triển khai ngay việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho người lao động của các doanh nghiệp; lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa.

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản của công nhân và người dân ở các địa bàn bị cách ly, phong tỏa.

Chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đưa công dân các tỉnh trở về địa phương, bảo đảm đúng đối tượng ưu tiên, an toàn trong công tác bàn giao; chỉ đưa những công dân thực sự an toàn về các tỉnh. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với 19 tỉnh, thành phố đón trên 13 nghìn lao động từ tỉnh Bắc Giang về địa phương tiếp tục theo dõi y tế.

Đến 22/6, tổ công tác của tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho 158 doanh nghiệp với 23.700 lao động đủ điều kiện sản xuất an toàn với Covid-19 được phép hoạt động trở lại. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xác nhận đủ điều kiện cho công nhân đi làm trở lại đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp đã được cho phép hoạt động trở lại.

Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa đón công nhân đi làm bảo đảm an toàn. Tổ công tác đã hỗ trợ 125 doanh nghiệp đón được gần 10 nghìn lao động theo đúng phương án đưa đón của doanh nghiệp. Đồng thời, đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát, xác nhận cho người lao động đủ điều kiện quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Sản xuất nhưng bảo đảm chống dịch

Chia sẻ với Báo GD&TĐ về công tác hỗ trợ công nhân trở lại làm việc, ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Bắc Giang cho biết, vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản của công nhân và người dân ở các địa bàn bị cách ly, phong tỏa.

Bắc Giang cũng chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đưa công dân các tỉnh trở về địa phương, bảo đảm đúng đối tượng ưu tiên, an toàn trong công tác bàn giao, chỉ đưa những công dân thực sự an toàn về quê.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với 19 tỉnh, thành phố đón trên 13.000 lao động từ tỉnh Bắc Giang về địa phương tiếp tục theo dõi y tế. Tỉnh Bắc Giang đang triển khai thực hiện mô hình “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất” tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Bảo đảm hài hòa giữa phòng, chống dịch và khôi phục lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo đó, người lao động ở nơi lưu trú tập trung của doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, di chuyển của công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc và ngược lại trên phương tiện đưa đón cố định theo phương châm “hai điểm, một đường”. Bên cạnh đó, người lao động được xét nghiệm sàng lọc bảo đảm âm tính với Covid-19 mới được đưa vào doanh nghiệp làm việc.

Đại diện Sở LĐ,TB&XH Bắc Giang cũng cho biết, đối với nơi lưu trú cho người lao động không chỉ bố trí ở trong doanh nghiệp mà còn được bố trí ở ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khu nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, trường học… theo nguyên tắc “một nơi ở tập trung chỉ bố trí cho lao động của một doanh nghiệp”.

Người lao động giữa các nhóm, bộ phận, khu vực sản xuất theo phương châm “cùng làm việc, cùng ở, cùng ăn, cùng di chuyển” để nếu có xảy ra nguy cơ nhiễm dịch thì có thể nhanh chóng khoanh vùng cách ly để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bản tin dịch Covid-19 trưa 23/6 của Bộ Y tế cho biết có 80 ca mắc Covid-19 trong nước tại 7 tỉnh, thành phố... riêng Bắc Giang có 10 ca mắc mới trong ngày. Với những biện pháp, cách làm quyết liệt thực hiện “nhiệm vụ kép”, Bắc Giang từng bước dập dịch, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo công ăn, việc làm cho công nhân lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.