“Bắc cầu” cho sinh viên chuyển giao công nghệ

“Bắc cầu” cho sinh viên chuyển giao công nghệ

Làm có sai nhưng học được nhiều

Những năm qua, phong trào toàn dân tiến quân vào mặt trận khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thành công của phong trào này có sự đóng góp của nhiều cá nhân, đặc biệt là những con người có niềm đam mê lớn với NCKH. TS Phạm Văn Toản (Trường ĐH Lạc Hồng - LHU) là một trong những cá nhân như thế.

Theo thống kê sơ bộ, TS Phạm Văn Toản là người sở hữu nhiều giải cao nhất tại Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh Đồng Nai những năm qua, 50 sản phẩm đã được chuyển giao cho doanh nghiệp. Đây cũng là minh chứng sinh động nhất cho những cố gắng, nỗ lực của anh, đồng thời góp thêm động lực để những người làm khoa học “dấn thân” cho đam mê của mình.

Một trong những công việc mà thầy Toản có thể “sống chết” với nó, đó là NCKH và CGCN. Dù rằng, con đường này chưa bao giờ là dễ dàng. Vốn yêu thích lĩnh vực KHCN, ngay từ thời sinh viên, TS Phạm Văn Toản đã thích khám phá, tự tìm hiểu và chế tạo các vật dụng trong gia đình.

Tuy nhiên, đó chỉ là “thú vui” của một chàng sinh viên đam mê kỹ thuật. Sau này, khi là giảng viên, anh thường xuyên được Trường ĐH Lạc Hồng giao nhiệm vụ đưa sinh viên đi thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp và “bén duyên” từ đó.

TS Toản nhớ lại: “Năm 2011, khi đưa sinh viên đi thực tập ở các công ty Plus Việt Nam, mình cùng các kỹ sư ký kết và hướng dẫn sinh viên làm các đề tài thực tế. Thấy sinh viên làm được các sản phẩm tốt mà giá lại rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, mình mạnh dạn nhận một vài dự án của các công ty về. Thầy trò cùng nhau làm và bước đầu thu được những thành công nho nhỏ. Sinh viên của mình vui lắm, niềm đam mê NCKH và CGCN của thầy trò cứ thế lớn lên mỗi ngày”.

TS Toản chia sẻ thêm: “Sau này, mình nhận nhiều đề tài hơn để cho các nhóm sinh viên có cơ hội được tham gia. Trong quá trình làm đề tài, cũng có những thất bại, có lúc suy sụp tinh thần, mất ngủ, nhưng nhất định phải tìm cho được nguyên nhân từ đâu, rồi rút kinh nghiệm và làm tiếp. Có thể nói, trong quá trình thực hiện các đề tài thực tế, có sai nhưng học được nhiều lắm”.

Tin vào khả năng của sinh viên

Trong quá trình thực hiện các dự án CGCN, các nhóm sinh viên đều cho biết: Thầy Phạm Văn Toản rất “chịu chi”. Chỉ cần sinh viên sẵn sàng, thầy Toản không tiếc gì hết. Thầy Toản quan niệm “sai thì sửa, phải làm để còn biết mình sai”.

Nhìn thấy được niềm đam mê và lợi ích mang lại cho sinh viên trong NCKH và CGCN, lãnh đạo Trường ĐH Lạc Hồng luôn khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian, không gian và chi phí về vật chất, thiết bị máy móc để TS Phạm Văn Toản cùng các sinh viên tập trung cho nghiên cứu.

Nguyễn Hữu Hưng - sinh viên năm thứ 4 (khoa Cơ điện – Điện tử LHU) chia sẻ: “Em theo thầy Toản làm dự án được hơn 2 năm và học được nhiều bài học, kiến thức thông qua hoạt động này, nhất là các kỹ năng và văn hóa doanh nghiệp. Thầy hay nói với tụi em, làm khoa học là phải dám thử - chấp nhận sai, không được sợ. Ở thầy lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực, vui vẻ, hài hước và làm việc gần như quên thời gian”.

Cùng chung cảm xúc với Nguyễn Hữu Hưng, Lê Hồng Phong - cựu sinh viên khóa 2012 chuyên ngành Cơ điện tử - LHU cũng bày tỏ: “Đi theo thầy Toản làm dự án, NCKH, điều em học được là kiến thức thực tế từ doanh nghiệp, cập nhật công nghệ và các yêu cầu của doanh nghiệp về lĩnh vực này. Nên vừa tốt nghiệp xong, một công ty Nhật gọi em đi làm ngay. Các thành viên theo thầy Toản làm dự án đều trúng tuyển ngay ở lần phỏng vấn đầu tiên”.

Nguyện làm nhịp cầu cho sinh viên với doanh nghiệp

Đến nay, đã ngót 10 năm cùng các thế hệ sinh viên bôn ba, ăn ngủ với các dự án NCKH và CGCN, TS Phạm Văn Toản cho biết: “Các doanh nghiệp khi tuyển dụng đều cần những người làm được việc, do đó, họ cần những ứng viên có kinh nghiệm. Có làm thì mới có kinh nghiệm được. Mình vẫn thường nói với sinh viên rằng kinh nghiệm là do mình tích lũy mà có, cứ làm và học ở tất cả mọi người”.

Khi được hỏi điều gì khiến anh vẫn theo đuổi mục tiêu làm các đề tài thực tế, TS Toản cho hay: “Động lực thì có nhiều, nhưng điều thôi thúc nhất có lẽ là sự tự hào khi thấy sinh viên trưởng thành, cứng cáp, tự tin trong lĩnh vực mà các em theo đuổi.

Mình thích cái cảm giác hân hoan khi các em sinh viên gọi điện báo rằng đã trúng tuyển làm việc trong các doanh nghiệp lớn, uy tín. Do vậy, mình vẫn muốn và nguyện làm nhịp cầu nhỏ để nối những bờ vui”.

Ngoài việc giảng dạy và NCKH, hiện TS Phạm Văn Toản còn là Trưởng khoa Cơ điện – Điện tử của LHU, luôn gần gũi và thân thiện với các đồng nghiệp của mình.

Nhiều năm làm công tác quản lý tại Khoa Cơ điện – Điện tử, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: “TS Phạm Văn Toản là một đồng sự tuyệt vời, cần mẫn và trách nhiệm. Trong NCKH luôn có những ý tưởng mới và sự tự tin, dám làm và dám chịu”.

Điều em ấn tượng và cảm phục nhất là niềm tin của thầy vào sinh viên. Thầy có thể biết được bạn nào làm tốt và luôn động viên để sinh viên làm. Em có được thành quả như hôm nay chính là nhờ những câu thầy thường nói “em làm được và làm tốt nữa là đằng khác”. - Em Lê Hồng Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ