Ba vị quan có tài phá án thời Trần

GD&TĐ - Dưới thời nhà Trần, có ba vị quan kiểm pháp nổi tiếng thanh liêm, có biệt tài xử án, mang lại công bằng cho nhân dân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ba vị quan kiểm pháp nổi tiếng này là Đoàn Khung, Trần Thì Kiến và Phí Trực.

Đoàn Khung bắt kẻ gian

“Nhất thủy, nhì hỏa” là những câu đúc kết của cha ông ta ngày xưa để nói về sự nguy hiểm của hỏa hoạn. Trong buổi đầu dựng nước, nhà cửa, đền đài, miếu, mạo, đình, chùa… đều được làm bằng gỗ, nhiều công trình lợp bằng tranh, nguy cơ hỏa hoạn luôn luôn tiềm ẩn. Để đối phó với “giặc lửa”, phòng ngừa hỏa hoạn luôn được quan tâm đặc biệt. Ngay từ thời Lý, Trần, đã có quy định về chống hỏa hoạn.

Vào một buổi trưa năm 1278, khi vua đang ngủ say, chợt nghe báo có vụ cháy lớn, vua cùng nội thị tức tốc đến nơi có hỏa hoạn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Vua ra ngoại thành xem cháy, Nội thư gia Đoàn Khung đi theo. Vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và kiểm xem ai đến trước. Khung đều sờ vào đầu từng người một, bảo ngồi xuống để đếm xem người nào đến chữa cháy và kiểm xem ai đến trước, người nào đến sau.

Vua hỏi: “Tại sao mà biết?”. Khung trả lời “Thần ấn đầu, người nào thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là người đến trước và cố sức chữa cháy, người nào đầu tóc không có mồ hôi và tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết”.

Cả đám đông tham gia chữa cháy đều thán phục, cho rằng như vậy là chính xác, công bằng. Vua Trần Thánh Tông theo đó mà khen ngợi Đoàn Khung và ban thưởng cho ông ta, có ý đề bạt để sử dụng.

Phí Trực cẩn trọng xử án

Theo “Việt Án lần theo sử cũ”, Phí Trực là người nổi tiếng thông minh và làm việc rất cẩn thận nên ai cũng kính nể. Mỗi lần xử án, ông thường xem đi xét lại rất kỹ, thà mang tiếng chậm, chứ quyết không chịu xử sai.

Đến thời vua Minh Tông, nhà Trần bắt đầu suy yếu, trộm cướp nổi lên. Lúc bấy giờ, tên Văn Khánh được xem là đầu sỏ trộm cướp, triều đình nhiều lần cho quan quân lùng bắt không được.

Một ngày, bỗng dưng có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo tên bị bắt ấy là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, người bị bắt cũng nhận mình là Văn Khánh, ai cũng cho đúng là tên cướp đầu sỏ ấy.

Duy có mỗi Phí Trực vẫn nghi ngờ, vì không hiểu sao tên trộm đầu sỏ mà lại bị bắt dễ thế, còn khai ngay mình là Văn Khánh chứ không chối quanh thì không khỏi chịu cái tội lụy đến thân. Bởi hình pháp nhà Trần rất thảm khốc, kẻ trộm và người trốn tránh đều phải chặt chân, chặt tay hay là cho voi giày đến chết.

Vì nghi ngờ có khuất tất nên quan tra án là Phí Trực quyết không thi hành án tử với người tự nhận là tướng cướp. Theo Phí Trực, tên trộm đầu sỏ không thể bị bắt dễ dàng thế. Thượng hoàng Trần Anh Tông khi biết chuyện đã hỏi Phí Trực và ông đã trả lời: Mạng người rất trọng, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử quyết.

Không lâu sau, thượng hoàng hỏi lại, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo: Nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi. Phí Trực tâu: “Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ”.

Nghi ngờ của Phí Trực quả không sai, một tháng sau, tên Văn Khánh thật bị bắt. Thượng hoàng đã phải công nhận tài phân tích của Phí Trực.

Cảm phục tài năng của Phí Trực, sau này, vua Trần Anh Tông đã cho ông giữ chức An phủ Thiên Trường. Đó là đặc ân lớn mà nhà vua đã ban cho vị phán quan tài giỏi, bởi theo lệ nhà Trần người được cử làm An Phủ sứ Thiên Trường phải là những viên quan từng kinh qua An Phủ sư cấp lộ, rồi khảo hạch đủ chuẩn mới bổ dụng. Nhưng với Phí Trực, đó được xem như ngoại lệ bởi tính cẩn thận, minh bạch của ông.

Móc thức ăn trả lại kẻ hối lộ

Trần Thì Kiến (1260 - 1330), quê ở phủ Tân Hưng (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Công minh, chính trực, có biệt tài xử án, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan kiêm chức Đại An phủ sứ Kinh sư, Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu, cuối đời được thăng lên đến chức Tả bộc xạ (Tể tướng).

Sinh thời, Trần Thì Kiến nổi tiếng là vị quan thanh liêm chính trực, xét án cẩn thận, mang lại công bằng cho xã hội. Vụ án nổi tiếng nhất trong cuộc đời làm quan của Trần Thì Kiến là khi ông móc họng để trả lại thức ăn cho kẻ hối lộ.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng năm 1297, Trần Thì Kiến đang làm quan kiểm pháp được vua Trần bổ nhiệm làm Đại an sử ở kinh sư. Ông vốn tính tình ngay thẳng, ngày trước có làm môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được tiến cử làm An phủ sứ ở Thiên Trường. Bấy giờ, có người trong hương mang biếu ông một mâm cỗ, Trần Thì Kiến hỏi cớ gì mà biếu ông, người ấy nói “Vì ở gần trị sở nên mang biếu, không kêu xin gì cả”.

Mấy ngày sau, quả nhiên người ấy có việc đến kêu xin, Trần Thì Kiến móc họng ói ra, ý là trả lại mâm cỗ cho người kia. Hành động của ông khiến kẻ cầu cạnh xấu hổ phải bỏ về, từ đó không dám nhờ cậy nữa.

Trong thời gian làm quan kiểm pháp, Trần Thì Kiến được biết đến là vị quan nổi tiếng thông minh. Mỗi khi có kiện tụng, ông đều dùng lý lẽ, phép nước mà xử án nên được nhân dân kính nể.

Nhờ đức tính thanh liêm, vì nước vì dân, Trần Thì Kiến rất được vua Trần Anh Tông tin dùng, năm 1305, ông được thăng chức Tả bộc xạ (hàng Tể tướng).

Tấm gương của Trần Thì Kiến được sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét “Thì Kiến làm quan quá nết lạ để uốn nắn lại cái tệ thỉnh thác của người bấy giờ, cũng như Án Anh làm quá nết tiết kiệm để uốn nắn thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.