Phần lớn những câu chuyện ba và cậu Tư kể xảy ra trong thời kháng chiến, lúc ba và cậu còn ở chung một đơn vị. Có những truyện mà ba tôi kể đi kể lại rất nhiều lần khi ngồi uống trà. Nghe riết rồi tôi thuộc nằm lòng luôn.
Tôi còn nhớ như in câu chuyện ba bị giặc bắn bị thương trong lúc đang làm nhiệm vụ tại đồn Cai Giảng. Mỗi lần nghe ba kể tôi càng cảm thấy tự về ba hơn. Lần nào cũng vậy, khi kể lại truyện này ba tôi kể một cách hào hứng, say mê. Một hôm, đang trong lúc ngồi uống nước trà với cậu Tư, ba nhớ lại:
- Hôm đó, chừng khoảng 11 giờ đêm, bọn chúng tổ chức đợt càng quét ở đồn Cai Giảng. Lúc ấy, thằng Chín Đức cùng một đồng đội khác đang đi tới lui tuần tra, canh gác. Khi phát hiện bọn chúng, một đồng đội liền vội vã báo cho đơn vị.
Vừa nhận được tin, thì từ xa chúng tui đã nghe có tiếng súng nổ. Chúng tôi liền chạy ra. Tui nhanh chân chạy đi trước. Đến nơi thì thấy thằng Đức nằm sải lai dưới đất. Tui vội vã ôm nó lên, khắp người của nó toàn là máu. Nó cố gượng gạo bảo “Mày chạy nhanh đi kẻo tụi nó phát hiện!”.
Thấy đồng đội bị thương, làm sao tui có thể bỏ nó được. Tui cố hết sức để dìu nó đi từng bước, từng bước một. Mới vừa nhấc mấy bước thì chúng phát hiện, nã liền mấy phát trúng ngay chân trái của tui. Cũng may, nhờ có cậu Tư mày và đồng đội ập tới giải vây kịp thời. Nếu không thì…
Kể đến đây, bỗng dưng ba nghẹn ngào không nói được lên lời, ho khù khụ. Còn cậu Tư cũng nhiệt tình hưởng ứng theo, cậu cao hứng hỏi:
- Anh Hai chắc biết ông Tư Biển ở ngoài ấp Ngô Kim hả?
Ba tôi trợn mắt, rải rải đầu, cố gắng lục lọi trong trí nhớ. Một lát sau, tay ba vỗ vào đùi mình nghe cái “bốp”, rồi nói với vẻ khoái chí:
- A, tui nhớ ra rồi! Thời chiến, ổng là người từng phụ trách Ban an ninh của xã mà. Mèn ơi! Tưởng ai chớ ông Tư Biển thì tui rành.
- Đúng rồi! Tui nghe nói hình như nhà ổng còn lưu giữ, bảo vệ chiếc hầm bí mật từng là nơi che giấu đồng chí Bí thư Trung ương cục thì phải?
- Ờ! Tui cũng nghe đâu sau giải phóng, chiếc hầm ấy mới được đưa dìa nhà ông Tư Biển để bảo quản và lưu giữ cho tới bây giờ.
Ngẫm nghĩ một hồi, cậu Tư liền khen ngợi:
- Kể ra hồi chiến tranh, người dân mình gan thiệt hen anh Hai. Không biết sợ chết là gì.
Thời chiến, ba và cậu Tư ở cùng một đơn vị. Trong trận đánh ở đồn Cai Giảng, lúc ba bị thương nhờ có cậu Tư thường xuyên ở bên cạnh động viên, chăm sóc nên ba mới qua khỏi hiểm nguy. Tuy nhiên, vết thương khá là sâu và bị nhiễm trùng. Cho nên chân trái của ba mới ra nông nổi như vầy.
Từ lúc ấy, ba tui và cậu Tư thân thiết và quý mến nhau như anh em ruột thịt. Khi hòa bình lập lại, cậu Tư thấy thương cho hoàn cảnh của ba. Cho nên cậu đã bàn với ông bà ngoại gả má cho ba.
Ban đầu, ông bà ngoại không chịu, nhưng cậu Tư năn nỉ và nói vô mãi hai ông bà mới chịu xiêu lòng, đồng ý tác hợp cho ba với má nên duyên vợ chồng.
Lúc ba má mới cưới nhau, ông ngoại cho một mảnh đất khoảng chừng 2 công để làm nền cất nhà và phần còn lại thì làm ruộng. Làm ruộng được vài năm thì chuyển đổi sang nuôi tôm sú.
Những năm đầu mới chuyển đổi, do gia đình chưa có kinh nghiệm nuôi nên mấy vụ tôm liền đều thất bại. Cuộc sống gia đình tôi vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn. Ba má phải làm đủ thứ công việc để mưu sinh.
Hằng ngày, má đi làm mướn kiếm sống. Lúc rảnh rỗi thì má đi câu cá, bắt ốc, hái rau. Còn ba thì đi giăng lưới, đặt dớn sống đắp đổi qua ngày.
Tôi từng nghe ba kể là lúc đó ở nhà có chiếc xuồng ba lá. Hằng ngày ba bơi xuồng dọc theo những con kinh, rạch để giăng lưới và đặt dớn. Mỗi lần đi đặt dớn, trên xuồng chở đầy ắp lưới và dớn.
Đến những nơi ngã ba, ngã tư hay dôi, vịnh… nơi mà ba cho rằng nhiều cá, tôm tép qua lại thì ba liền cặm sào, cột xuồng rồi nhảy “ùm” xuống sông; ba lặn hụp hửi dưới sông để cặm lưới rào, cặm dớn; Đầu tóc ướt nhèm; rong, rêu, rác bám đầy mặt mày. Một cái dớn đặt xong vài ngày mới di dời đi nơi khác. Hằng ngày, ba bơi xuồng đi giở dớn thu được rất nhiều loại cá, cua, tép… Nhiều nhất là tép và cá lòng tong.
Về đến nhà, má lựa ra từng loại rồi mang ra chợ bán. Nhờ lòng kiên nhẩn, chịu thương, chịu khó của ba má, quen sống theo kiểu ăn cần ở kiệm nên cuộc sống của gia đình tôi dần dần tạm ổn định.
Có lần, ba chở tôi đặt dớn. Ba mặc chiếc áo bà ba màu nâu, quần xà lỏn; đầu quấn chiếc khăn rằn. Ba ngồi sau lái bơi xuồng, còn tôi thì ngồi đằng mũi.
Chiếc xuồng ba lá bồng bềnh, len lỏi qua từng con sông, rạch. Lúc đi ngang qua rặng dừa nước, nghe có tiếng cá lóc quậy “đùng, đùng” ở cạnh mé kinh, tôi đưa ánh mắt tò mò nhìn lên bờ, thấy cây cần câu cắm cà liệt, cà liệt. Biết là con cá lóc đã dính câu, tôi mừng húm, đưa tay chỉ trỏ:
- Câu ai cắm dính cá lóc bự chảng kìa ba!
- Ừa! Của ai kệ người ta đi!
Ba tôi nói với vẻ bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra. Ông tiếp tục bơi xuồng. Tôi khe khẽ năn nỉ:
- Ba, tấp xuồng vô bờ cho con gỡ con cá lóc đi ba!
Ba tôi cao giọng:
- Không được.
- Sao vậy? Ở đây có hai ba con mình, đâu có ai thấy đâu mà ba phải sợ - Tôi thắc mắc.
Ba liền phân bua:
- Người ta đi cắm câu cực khổ lắm mới dính được con cá. Mình gỡ cá của người ta, chẳng khác nào mình cướp đi chén cơm của họ. Tội nghiệp người ta lắm! Cũng như mình đi đặt dớn vậy, nếu có người dở trước dớn của mình thì con có buồn hông? Dĩ nhiên là buồn vì có còn cá, tép gì nữa đâu mà mình bán hở con. Cho nên làm việc gì cũng vậy, tuyệt đối không được có suy nghĩ ngồi mát mà ăn bát vàng nghen con.
- Dạ, con biết rồi.
Chiếc xuồng đi khuất xa, tôi vẫn ngoáy nhìn chỗ con cá lóc dính câu trong sự nuối tiếc.
Đến chỗ đặt dớn, ba liền tháo khăn rằn ra để lên sạp xuồng rồi nhảy xuống sông. Ba không quên dạy cho tôi kỹ càng từng công đoạn một. Từ việc cặm lưới làm rào chắn, đến việc cặm cái dớn xuống đặt đều được ba tôi chỉ dạy rất tỉ mỉ. Ba lưu ý:
- Cặm rào phải cặm theo đường gấp khúc. Đuôi dớn phải cột lên cao vừa lú lên mặt nước. Đặt biệt là không được để dớn đóng rong, rêu nghe con.
Sau những lần đi cùng ba đặt dớn, tôi đã rành việc đặt dớn. Ba tôi biết rõ điều đó. Đôi chân của ba vốn bị thương, đi lại bất tiện. Hơn nữa, khi tiết trời lập đông, vết thương của ba lại đau âm ĩ. Vậy mà ba vẫn cố gượng để đi đặt dớn đều đặn. Đã nhiều lần tôi khuyên ba ở nhà nghỉ ngơi, để công việc đặt dớn cho tôi làm. Nhưng ba kiên quyết không cho tôi làm, ba bảo:
- Bây biết gì mà mần?
Thế rồi ba lại tiếp tục công việc của mình.
Năm tôi lên học phổ thông, vào một ngày nọ, bất thình lình gia đình nhận được tin như sét đánh lưng trời. Má tôi đi khám bịnh và phát hiện bị ung thư thời kỳ cuối. Không bao lâu sau thì má qua đời. Lại một lần nữa, ba phải chịu cảnh vất vả làm thân gà trống nuôi con. Lúc đó, thấy ba ngày đêm lặn lội đi đặt dớn đi đặt dớn kiếm tiền lo cho chị em chúng tôi ăn học. Nhiều lúc, thấy ba làm việc cật lực, chị Hai và tôi năn nỉ ba cho chị em chúng tôi nghỉ học để phụ giúp, đỡ đần cho ba. Nhưng lần nào cũng vậy, hễ ai nói đến chuyện xin nghỉ học là ba phớt lờ và kiên quyết nhất định không cho, ba bảo với chị em tôi:
- Gia đình người ta giàu có, họ có của ăn của để thì người ta để dành lại cho con cái người ta sau này. Còn gia đình mình thì tụi con thấy rồi đó! Ba chẳng có gì để lại cho các con. Điều duy nhất ba có thể làm được là lo cho tụi con ăn học đến nơi đến chốn, ráng học có được nghề trong tay thì xem đó như là gia tài mà ba để dành lại cho tụi con. Lúc đó, má con có ở dưới suối vàng mãn nguyện.
Nghe mấy lời ba khuyên, chị em chúng tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết đứng lặng người, miệng mếu xệu, nước mắt chảy ròng. Cả hai nhìn nhau như thầm hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của ba.
Nhìn ra sân thấy trời mới vừa tờ mờ sáng, ba vấn vội một điếu thuốc gò để hút. Ông kéo vài hơi thuốc rồi rót thêm một ly trà. Uống cạn nước trong ly, ba cẩn thận úp ly vào khay. Sau đó, ông lật đật ra sau nhà tìm cây dầm, nón nỉ và cái thùng bê đựng cá.
Cậu Tư thoáng nhìn cũng biết là ba tôi đang chuẩn bị đồ đạc để đi giở dớn. Nhìn bước chân khập khểnh của ba, cậu Tư thấy thương ba vô cùng. Không cần phải nghĩ ngợi gì thêm, đợi lúc ba đi lên, cậu lập tức đề nghị:
- Anh Hai à, giờ đây con Phượng và thằng Nghĩa, chị em tụi nó đã có nghề nghiệp ổn định rồi; gia đình của anh cũng hông còn khó khăn như trước. Tụi nó dư sức lo cho anh. Anh hãy ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, đừng đi đặt dớn nữa. Tối ngày lặn hụp dưới sông hoài, thấy cực quá anh ơi!
Đúng lúc đó, chị Hai từ trong buồng bước ra, nói chen vào:
- Cậu Tư nói đúng đó ba! Từ rày về sau ba cứ an tâm ở nhà nghỉ ngơi, chuyện chi tiêu trong nhà để đó chị em con lo liệu.
Đầu đội nón nỉ, một tay cầm cây dầm, tay xách thùng bê, ba dõng dạc tuyên bố:
- Hông được! Ở không hoài, hông có việc gì mần làm sao tao chịu nổi chớ.
Nói xong, ba bỏ đi một mạch thẳng xuống trại xuồng, mở dây, bơi xuồng đi. Mọi người lặng lẽ đứng dõi theo ba; bóng dáng ba càng lúc càng xa dần.