Bà Suu Kyi yêu cầu nghị sĩ phải sử dụng được tiếng Anh

Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu các nghị sĩ mới của Myanmar phải sử dụng được tiếng Anh và giảm lương để làm gương và tránh gây ra sự bất bình đẳng với xã hội.

Bà Suu Kyi yêu cầu nghị sĩ phải sử dụng được tiếng Anh

Trong cuộc họp hôm 28/11, lãnh đạo của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) kêu gọi một trật tự kỷ cương đối với các tân nghị sĩ của đảng này, những người vừa mới chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11 vừa qua.

Bà Suu Kyi yêu cầu các thành viên NLD phải có trách nhiệm trong vai trò nghị sĩ và cả điều hành chính phủ mới sẽ bắt đầu trong năm 2016, theo AFP. Lãnh đạo đảng NLD dọa sẽ trừng phạt và không dung thứ cho bất kỳ thành viên nào sai trái và thiếu trách nhiệm trong cương vị mới.

“Nếu các vị không biết thì hãy hỏi, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ; nhưng nếu các vị sai lầm, chúng tôi sẽ không thể giúp sửa sai. Còn nếu các vị ngồi tù vì lạm quyền, thì chúng tôi sẽ đi thăm”, Thet Thet Khaing, một tân nghị sĩ ở hạ viện Myanmar nói lại phát biểu của bà Suu Kyi trong cuộc họp với 226 tân nghị sĩ NLD tham dự, theo Irrawaddy.

Bà Suu Kyi yêu cầu nghị sĩ phải sử dụng được tiếng Anh - Ảnh 1

Ba Aung San Suu Kyi và các tân nghị sĩ của NLD trong một cuộc họp đầu tiên ở quốc hội - Ảnh: Reuters

Irrawaddy cho biết bà Suu Kyi yêu cầu các nghị sĩ phải cải thiện kỹ năng tiếng Anh để tất cả các nghị sĩ có thể sử dụng ngôn ngữ quốc tế này. Bà Suu Kyi từng du học ở Anh, chồng và 2 con của bà đều là công dân Anh.

Chính vì có người thân là công dân nước ngoài mà bà không được phép giữ chức tổng thống Myanmar, dù đảng của bà đã thắng áp đảo, giành 80% số ghế trong cả lưỡng viện quốc hội trong cuộc bầu cử lịch sử vừa qua.

Lãnh đạo NLD tuyên bố sẽ cắt giảm 25% lương của các nghị sĩ quốc hội, vì theo bà sẽ không công bằng khi nghị sĩ hưởng 1 triệu kyat (tương đương hơn 17 triệu đồng) một tháng trong khi điều kiện sống của người dân nước này còn nghèo khổ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình dân đầu người Myanmar vào khoảng 1.200 USD/năm (tức 24 triệu đồng) năm 2014.

Theo Thanh niên/doisongphapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ