Bà nội ở bản vượt hơn 200km xuống phố động viên cháu thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Có cháu thi tốt nghiệp ở TP Vinh (Nghệ An), bà Vi Thị Trâm ở huyện miền núi Tương Dương bắt xe khách vượt hàng trăm km xuống điểm thi để động viên.

Bà Vi Thị Trâm ngồi trước cổng trường chờ cháu thi tốt nghiệp. Ảnh: Phạm Tâm
Bà Vi Thị Trâm ngồi trước cổng trường chờ cháu thi tốt nghiệp. Ảnh: Phạm Tâm

Đồng hành cùng cháu vào thời điểm quan trọng

Sáng 28/6, gần 37.000 thí sinh tại Nghệ An bước vào bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Vào buổi sáng, thời tiết tại TP Vinh (Nghệ An) có nắng to, không khí khá oi bức. Phía ngoài điểm thi Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An có rất đông các bậc phụ huynh ngồi chờ đợi con với tâm trạng hồi hộp, lo lắng.

Trong đó, có nhiều người vừa vượt qua chặng đường hàng trăm km từ các bản làng vùng cao xuống phố động viên con, cháu đi thi.

Đang trú nắng trước cổng trường, bà Vi Thị Trâm (SN 1959, trú tại bản Nà Khốm, xã Yên Na, huyện Tương Dương) cho biết, cách đây 3 ngày, bà bắt xe khách từ bản xuống TP Vinh để thăm và động viên cháu nội là Lương Văn Điền đang dự thi tốt nghiệp.

Suốt 3 năm qua Điền học tập xa nhà, còn ở quê bà Trâm sống cùng với bố mẹ của em. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố đi làm ăn xa, mẹ đang trông con nhỏ nên cả 2 không có điều kiện xuống động viên con.

Dù năm nay đã lớn tuổi, nhưng vì nhớ và thương cháu nên bà Trâm quyết định bắt xe vượt hơn 200km xuống với cháu.

Mặc dù lớn tuổi nhưng bà Trâm vẫn quyết tâm bên cạnh cháu vào thời điểm quan trọng. Ảnh: Phạm Tâm
Mặc dù lớn tuổi nhưng bà Trâm vẫn quyết tâm bên cạnh cháu vào thời điểm quan trọng. Ảnh: Phạm Tâm

Xuống đến nơi, bà Trâm thuê một phòng trọ ở cách trường khoảng 500m. Vì cháu nội ở ký túc xá, dành nhiều thời gian cho việc ôn tập và đi thi nên những ngày qua bà cháu mới gặp nhau được 3 lần.

Mỗi lần gặp tuy ngắn ngủi nhưng bà luôn căn dặn cháu chăm ngoan, cố gắng học hành để có tương lai và thoát khỏi cái đói, cái nghèo ở vùng cao.

“Tối hôm qua gặp một lần. Sáng nay thi xong, bà vào tìm mới nhìn thấy mặt cháu. Cháu nói bà ơi, bà đừng lo lắng quá, con làm được bài. Rồi nó dắt bà đi ăn và dặn bà đường sá xa xôi không nên đi lại nhiều, cháu lớn rồi có thể tự thi được”, bà Trâm xúc động kể lại.

Người phụ nữ này cho rằng, suốt 3 năm đi học xa nhà, những ngày thi này là giai đoạn quan trọng nhất, chính vì thế phải có người thân bên cạnh. Nhờ cháu nội học giỏi, chăm ngoan nên bà Trâm phần nào yên tâm.

“Bà lúc nào cũng dặn cháu đừng uống rượu bia, đừng chơi game. Lo học hành để sau này về giúp đỡ gia đình, giúp đỡ quê hương”, bà tâm sự.

Điểm thi Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An tại TP Vinh. Ảnh: Phạm Tâm
Điểm thi Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An tại TP Vinh. Ảnh: Phạm Tâm

Vượt hàng trăm km động viên con đi thi

Ngoài bà Trâm, trước điểm thi Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An còn có rất nhiều bố mẹ, người thân đến từ các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông... lặn lội hàng trăm km xuống động viên con, cháu thi tốt nghiệp.

Hướng ánh mắt về phía cổng trường, chị Lỳ Y Phua (SN 1985, trú tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) cho biết, vợ chồng chị xuống TP Vinh từ ngày 26/6. Sau đó thuê khách sạn ở gần trường để tiện thăm, động viên con trai đang học và thi tại đây.

Theo chị Phua, vào thời điểm này ở quê đang mùa trỉa lúa, tuy nhiên vì con trai bước vào kỳ thi quan trọng nên vợ chồng chị gác lại công việc, bắt xe khách vượt quãng đường hơn 250km.

Người mẹ này chia sẻ, ở trường con trai chị được hỗ trợ khẩu phần ăn. Thế nhưng, trong 3 năm con học xa nhà, vợ chồng chị vẫn gửi xe khách xuống các loại thực phẩm của đồng bào như gà đen, thịt lợn, trứng, gạo nếp… để con bồi dưỡng thêm.

Ngoài ra, vài tháng chị Phua lại bỏ công việc nương rẫy xuống trường thăm con trai một lần.

Nhiều phụ huynh từ các bản làng xa xôi, vượt hàng trăm km xuống thành phố để động viên con cháu. Ảnh: Phạm Tâm
Nhiều phụ huynh từ các bản làng xa xôi, vượt hàng trăm km xuống thành phố để động viên con cháu. Ảnh: Phạm Tâm

“Con trai xuống trường được học tập, ăn ở tập trung có nề nếp, được thầy cô giúp đỡ nên gia đình tôi rất yên tâm, nhưng vì nhớ con nên phải xuống thăm thôi. Hy vọng cháu làm bài thi tốt để hoàn thành ước mơ vào đại học", chị Phua nói và cho biết thêm con trai mình được đặc cách trúng tuyển vào một trường sư phạm ở Hà Nội.

Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An là nơi học tập của hơn 700 học sinh các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Ơ đu… đến từ các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong…

Trong năm học 2022 – 2023, điểm trung bình tốt nghiệp THPT của ngôi trường này xếp thứ 6 toàn tỉnh. Trong đó, môn Giáo dục công dân xếp thứ 1, môn Lịch sử và môn Địa lý xếp thứ 2, môn Ngữ văn xếp thứ 5. Có 3 học sinh được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương, khen thưởng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Nghệ An có 36.956 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 33.158 thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh; 2.678 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp; 1.220 thí sinh chỉ xét tuyển sinh.

Toàn tỉnh có 70 điểm thi, 1.671 phòng thi với 5.906 người phục vụ coi thi. Ngoài ra, lực lượng công an cũng huy động gần 900 người làm công tác bảo vệ tại các điểm thi.

Tại điểm thi Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An có 328 thí sinh tham gia dự thi.

Mời xem GỢI Ý ĐÁP ÁN các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 TẠI ĐÂY

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra từ sáng 27/6.

Lịch thi cụ thể:

Sáng 27/6 thi Ngữ Văn; Chiều thi Toán.

Sáng 28/6 thi tổ hợp KHTN (Lý-Hóa-Sinh)/KHXH (Sử-Địa-Giáo dục công dân); Chiều thi Ngoại ngữ.

Ngay khi kết thúc mỗi môn thi, mời quý độc giả xem Gợi ý lời giải, Gợi ý đáp án trên Báo Giáo dục và Thời đại (giaoducthoidai.vn) >>>TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.