Cuốn sách kể về cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan. Người mẹ đã sinh ra cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này trở thành người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.
Phần mở đầu cuốn sách, nhà xuất bản Thuận Hóa có viết: "Trong suốt những năm gắn bó tha thiết với chồng, với con, với gia tộc và làng nước, bà Hoàng Thị Loan đã thể hiện đầy đủ các đức tính đáng quý của người phụ nữ việt Nam: Với tấm lòng cao đẹp của một bà mẹ không cam chịu để con mình quá thiếu thốn; với quyết tâm của một bà vợ không muốn chồng phải ngừng học tập vì thiếu cơm ăn; bà đã làm tất cả những gì có thể được thuộc thiên chức của một người mẹ, người vợ: cần cù chịu đựng, âm thầm gánh lấy những trĩu nặng của hoàn cảnh, hi sinh cho chồng, cho con với một niềm tin trong sáng như đoá hoa Đại Huệ lặng lẽ toả hương thầm trong đêm."
Không chỉ có vậy, cuốn sách còn cho ta thấy những tư tưởng tiến bộ của các bậc tiền nhân. Từ trang đầu tiên đến trang 93, tác giả giới thiệu về gia đình sinh ra và nuôi dưỡng bà Hoàng Thị Loan. Với giọng văn giàu chất tự sự, tác giả kể cặn kẽ, chi tiết về ông cụ Hoàng Xuân Đường và bà Kép vợ ông – người sinh ra và nuôi dưỡng bà mẹ của thiên tài. Cụ Đường là tộc trưởng của dòng học cự tộc mà từng giọt máu trong mỗi con người của dòng họ này đều ngấm chất lễ giáo phong kiến. Vậy mà, cụ bất chấp những yêu cầu nghiệt ngã của dòng họ để chung thủy sống cùng một vợ và hai cô con gái. Cũng chính cụ Hoàng Xuân Đường dạy chữ cho cô con gái Hoàng Thị Loan (thời đó con gái thường không được đi học). Cụ đã nói với vợ “mình thấy việc đúng cần làm thì cứ làm, chứ chiều theo lề thói của thôn quê thì rồi nhiều việc phải bó tay”.
Cũng chính vì có tư tưởng tiến bộ như vậy mà cụ Hoàng Xuân Đường đã người nhận nuôi cậu bé Nguyễn Sinh Sắc. Sau này, trước ước vọng về hạnh phúc của con gái là được kết duyên cùng với Nguyễn Sinh Sắc thì chính cụ lại một lần nữa bỏ qua những dị nghị của thế gian gả cô con gái Hoàng Thị Loan cho chàng trai nghèo lại mồ côi cả cha lẫn mẹ ấy.
Tuy nhiên, giá trị của cuốn sách còn nằm ngoài khả năng kể chuyện của một tác phẩm tự sự. Bởi cuốn sách còn cho ta những bài học về cách ứng xử công bằng, nhân ái giữa con người với con người. Đó là cách ứng xử giữa cha với con, vợ với chồng, giữa con đẻ với con nuôi, giữa người có địa vị cao trong xã hội với những kẻ nghèo khó.
Đó là câu chuyện của cô gái Hoàng Thị Loan sinh ra học thức dòng dõi đã chủ động giúp đỡ, kéo gần khoảng cách và mang đến sự tự tin cho chàng trai nghèo Nguyễn Sinh Sắc. Bởi cô nhận ra đó là con người tài năng , đức độ. Đó là chuyện ông Đường luôn đặt niềm tin ở con gái và cậu con trai nuôi còn bà Kép thì đặt niềm tin vào sự sáng suốt của chồng. Niềm tin ấy đã gắn kết những con người tình nghĩa để rồi chính họ đã hun đúc và tạo dựng nên một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
Đọc sách “Bà mẹ của một thiên tài” các bạn còn trở về với không gian yên bình của làng quê Nghệ Tĩnh và không gian văn hóa của kinh đô Huế gần hai thế kỉ trước. Hình ảnh một làng Chùa yên bình với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa sẽ đem đến cho người đọc những tri thức văn hóa vững bền. Hình ảnh của thành phố Huế thơ mộng và nét đẹp văn hóa cũng được thể hiện sinh động qua các trang văn của tác giả Chu Trọng Huyến.
Cuốn sách “Bà mẹ của một thiên tài” thực sự đã làm giàu thêm chân dung vĩ đại của người phụ nữ Việt Nam, làm phong phú thêm hiểu biết của độc giả về thân thế và gia đình của Bác Hồ.