Bà giáo hơn 20 năm chống lại ma tuý

Bà giáo hơn 20 năm chống lại ma tuý

Cuộc chiến hơn 20 năm

Đến phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hỏi bà Hồng - Chủ nhiệm CLB B93 thì ai cũng biết. Bà An Thị Hồng (72 tuổi) sống tại một căn nhà nhỏ trong ngách 6, ngõ 242 đường Minh Khai. Nhìn tướng mạo, khó có thể hình dung bà đã 22 năm “làm việc” với người sử dụng ma túy, thậm chí đang mắc căn bệnh thế kỷ.

Vốn là giáo viên tiểu học nhưng do nhà ít người nên năm 1991 bà Hồng xin nghỉ hưu sớm. Thời điểm đó, tệ nạn ma túy ở phường Minh Khai rất phức tạp do địa bàn giáp ranh với những “điểm nóng” ma túy khác như Thanh Nhàn, Quỳnh Lôi… Trên địa bàn phường, có rất nhiều thanh thiếu niên sa vào vòng xoáy của ma tuý.

Là giáo viên và từng gắn bó với sự nghiệp trồng người gần 25 năm, bà Hồng luôn trăn trở với những nỗi đau đang diễn ra ngay trước mắt. Vì vậy khi được cán bộ phường kêu gọi ra giúp một tay để loại trừ hiểm họa ma túy, bà Hồng đã nhiệt tình tham gia. Khi đó thành phố có chủ trương thành lập CLB B93 (giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng), bà Hồng đã nhận phụ trách CLB này. Tiếp đó, bà có sáng kiến thành lập CLB Đồng Cảm - để làm nơi những người nghiện, người nhiễm HIV có thể đến sinh hoạt, động viên nhau xây dựng cuộc sống mới.

Suốt ngày đi lo cho người khác nhưng bất ngờ tai họa ập đến với gia đình bà Hồng. Một gia đình hạnh phúc với 2 người con trai giỏi giang thì năm 2008 người con trai thứ hai bị ốm và qua đời. Sốc quá, chồng bà vốn mắc bệnh u não càng trở nên trầm trọng và ông cũng đã ra đi chỉ sau đó 2 tháng. Cái tang kép tưởng chừng khiến bà không bao giờ gượng dậy được nữa. “Thời điểm đó, tôi chỉ còn hơn 30kg, tưởng như chết luôn theo chồng và con” – bà Hồng rưng rưng nước mắt kể lại. 

Vượt qua nỗi đau, tiếp tục công việc, đội Công tác Xã hội Tình nguyện mà bà Hồng tham gia hơn 22 năm nay đã chính thức xóa bỏ cái tên “trọng điểm ma túy” cho phường Minh Khai từ năm 2013. “Chúng tôi thường xuyên hỏi thăm, động viên, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho họ sớm ổn định cuộc sống. Điều khó nhất của người làm công việc này là cần cái tâm. Khi làm, mình phải coi họ như những người con cháu trong nhà. Có như thế mới mở được cánh cửa tấm lòng để họ chia sẻ rồi quay về đường ngay nẻo chính” – bà Hồng kể.

Tấm lòng chân thành của bà khiến nhiều người nghiện sau cai tin yêu, coi như người trong nhà. Câu lạc bộ B93 phường Minh Khai đã nhận được niềm tin của những người trót sa ngã, giúp họ có cơ hội quay đầu để làm lại cuộc đời.

Chuyện những người hoàn lương

Thế nhưng không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi. Rất nhiều người sau cai không chịu nghe lời, không tham gia hoạt động của câu lạc bộ. Thậm chí, có người còn chống đối, đe dọa. Thời ấy, không ít người bảo bà dại dột khi tìm cách vay tiền cho người đã từng nghiện ngập. Nhưng vượt qua những lời dị nghị, niềm tin vào những con người đã từng vấp ngã, họ đã không phụ lòng bà.

Nhờ sự hỗ trợ của CLB B93, sự nỗ lực của bà, nhiều người nghiện sau cai của phường Minh Khai có việc làm ổn định. Trong đó có 7 người được chính quyền tạo điều kiện vay 140 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Vào phường Minh Khai bây giờ, có thể thấy rất nhiều cơ sở làm ăn của người nghiện hoàn lương. Đến cơ sở sửa xe máy anh Ngô Gia Lập, nếu không quen biết, chẳng ai nhận ra trước đây anh là một con nghiện. Anh Lập biết đến ma tuý từ năm 28 tuổi. Đã có thời gian anh nhận mình là nô lệ của ma tuý.

“Động lực to lớn giúp tôi quyết tâm cai nghiện là sự giúp đỡ của đội Công tác Xã hội Tình nguyện, CLB B93 và cá nhân bà An Thị Hồng. Tôi cai nghiện tại trung tâm số 5. Đến năm 2001 quay về và được CLB B93 hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng để kinh doanh, ổn định cuộc sống” – anh Lập chia sẻ.

Từ đó tới nay, anh Lập vẫn thường xuyên động viên, giải thích và giúp đỡ để những người đã có hoàn cảnh như mình phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng là những trường hợp ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng như anh Ngô Gia Lập ngày càng nhiều. Những cái tên Trần Tiến Hùng, Trần Hồng Hải, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Văn Hải… đã bỏ xa ma túy để lăn vào mưu sinh kiếm sống. Tất cả đều được câu lạc bộ B93 giới thiệu tới ngân hàng chính sách, quỹ hộ nghèo… cho họ vay tiền để xây dựng cuộc sống.

“Cho cái cần chứ không cho con cá”

Cai nghiện đã khó, chống tái nghiện lại càng khó hơn. Hiểu rõ điều đó, bà Hồng cùng CLB B93 phường Minh Khai hỗ trợ tối đa những người nghiện sau cai đang sinh hoạt tại đây. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền, khuyên nhủ và những buổi sinh hoạt hàng tháng, CLB B93 còn hỗ trợ giúp người nghiện vay vốn để làm kinh tế. Từ đó tạo công ăn việc làm, giúp họ tự nuôi sống bản thân và gia đình, nhận ra ý nghĩa của cuộc sống.

“Muốn người nghiện quay lại đường ngay nẻo chính cần để các cháu tự nhận ra rằng mình vẫn còn có ích. Từ năm 2005, CLB B93 Minh Khai đã giúp các cháu vay vốn để phát triển kinh tế” - bà Hồng cho biết. Theo đó, CLB B93, hội Phụ nữ phường Minh Khai đứng ra bảo lãnh để gia đình người sau cai nghiện vay ngân hàng chính sách xã hội với mức vay tối đa là 10 - 30 triệu đồng. Qua đó giúp họ có vốn làm ăn.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, thời gian để gặp bà Hồng cũng chỉ có thể sau 20 giờ tối hàng ngày. Nhưng đó cũng là lúc mà bà Hồng lại tiếp tục cặm cụi bên bàn làm việc với ngổn ngang biết bao nhiêu giấy tờ, tài liệu, các bài giảng tập huấn cùng tham luận. Khi ngỏ ý hỏi, tuổi đã cao, cũng đã đến lúc nên chuyển giao lại cho thế hệ trẻ hơn tiếp tục công việc này thì bà lặng đi một lúc rồi nhẹ nhàng giải thích: “Tôi cũng đang tìm và vẫn tìm nhiều năm nay, nhưng thật sự để làm công việc này cần cái tâm nhiều lắm. Bản thân tôi từng là giáo viên, dạy dỗ người nên việc hỏi han nói chuyện với các cháu nó giống như bản năng vậy. Nếu không có đủ tâm và sự nhiệt thành rất khó để đồng cảm với những người lỡ lầm đường lạc lối như vậy. Chừng nào chưa tìm được người để kế tục, tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức mình. Giúp được các cháu đến đâu thì giúp đến đó, đưa các cháu trở lại với cuộc sống”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Sa cùng học trò trong giờ học. Ảnh: Phạm Tâm

'Phép màu' cho học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Mỗi ngày đến lớp, các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An lại miệt mài, thầm lặng tạo nên những “phép màu”.