Ba cuốn sách “Phẩm cách” làm sôi nổi nước Nhật đến Việt Nam

GD&TĐ - Trong khoảng hai năm từ năm 2005 đến 2007, có ba cuốn sách liên tiếp ra đời như một hiệu ứng dây chuyền và làm cho dư luận Nhật Bản nổi sóng một thời gian dài. Ba tác phẩm đó đều chia sẻ một từ khóa chung gợi rất nhiều liên tưởng là “phẩm cách”. Ba tác phẩm đó là Phẩm cách quốc gia (2005), Phẩm cách phụ nữ (2006), Phẩm cách cha mẹ (2007).

Bộ 3 phẩm cách ra mắt bạn đọc
Bộ 3 phẩm cách ra mắt bạn đọc

Phẩm cách quốc gia - cuốn sách hấp dẫn vì cách đặt vấn đề táo bạo

Tác giả của "Phẩm cách quốc gia" là giáo sư Fujiwara Masahiko, một nhà toán học có tiếng ở Nhật và đã từng giảng dạy toán học nhiều năm ở Anh, Mĩ. Ông đã từng viết nhiều cuốn sách về tuổi trẻ và cuộc đời của các thiên tài toán học vì vậy, trong cuốn sách này ông đã rút ra ba điều kiện để có thiên tài.

Thứ nhất là phải có “sự tồn tại của cái đẹp”.

Thứ hai là phải có “tấm lòng ngưỡng vọng” (tự nhiên và sự bí ẩn).

Thứ ba là phải có “môi trường tinh thần”(coi trọng truyền thống và những gì “không có ích ngay”).

Cuốn sách "Phẩm cách quốc gia"
Cuốn sách "Phẩm cách quốc gia" 

Theo ông, Nhật Bản là nơi đã từng có ba thứ đó nhưng hiện nay đang ngày càng mai một. Ông cho rằng muốn nước Nhật trở thành nước có phẩm cách thay vì chỉ biết đến như là nước có tiền và nói chẳng ai nghe thì phải tạo ra và duy trì ba điều kiện ấy.

Cuốn sách sau khi xuất bản đã tạo ra một làn sóng tranh luận sôi nổi và chỉ trong vòng hơn 6 tháng kể từ ngày phát hành, sách đã bán được 2, 65 triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Từ “phẩm cách” sau đó đã trở thành một từ khóa phổ biến trong xã hội, được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông và năm 2006 được bình chọn là “từ thông dụng nhất” trong năm.

Phẩm cách phụ nữ - cuốn sách tái định vị lại người phụ nữ trong xã hội hiện đại

Tác giả của "Phẩm cách phụ nữ" là Bando Mariko. Bà là một nhân vật có tiếng tăm ở Nhật Bản khi hoàn thành xuất sắc cả việc công và việc tư cũng như có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội.

“Phẩm cách phụ nữ” là cuốn sách không chỉ có lý luận thuần túy. Ở đó ngồn ngộn chất liệu của thực tế và những câu chuyện có thật. Theo như lời tâm sự của Bando Mariko trong Lời nói đầu thì bà viết cuốn sách này xuất phát từ ảnh hưởng của cuốn "Phẩm cách quốc gia".

Cuốn sách "Phẩm cách phụ nữ"
Cuốn sách "Phẩm cách phụ nữ" 

Bà tán thành việc đặt ra vấn đề phải xây dựng một quốc gia có phẩm cách nhưng theo bà thì “…tiền đề của quốc gia có phẩm cách là sự tồn tại của các cá nhân có phẩm cách. Khi từng cá nhân có phẩm cách sẽ tạo ra gia đình có phẩm cách, doanh nghiệp có phẩm cách và xã hội có phẩm cách. Bởi vậy cá nhân có phẩm cách là điều kiện tiên quyết”.

Cuốn sách sau khi ra đời cũng gây được tiếng vang lớn và hiện đã bán được hơn 3 triệu bản.

Phẩm cách cha mẹ- cuốn sách không chỉ bàn chuyện giáo dục con cái

Đây là tác phẩm được Bando Mariko công bố sau khi tác phẩm "Phẩm cách phụ nữ" thu được thành công vang dội.

Không giống như các cuốn sách về giáo dục gia đình khác, chủ yếu tác phẩm "Phẩm cách cha mẹ"tập trung vào các nguyên lý và kĩ thuật nuôi dạy con cái, trong cuốn sách này xuất phát từ mệnh đề đã được trình bày ở trên là kiến tạo quốc gia có phẩm cách nhờ vào những người có phẩm cách, cuốn sách chủ yếu bàn về tư thế, tâm thế và lẽ sống cần có của các bậc cha mẹ để nuôi dạy nên được những người có phẩm cách.

Bài cuốn sách "Phẩm cách cha mẹ"
Bài cuốn sách "Phẩm cách cha mẹ" 

Ở đó ngoài những lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ khi có con từ lúc mang bầu cho tới tận khi con trưởng thành, đã có gia đình riêng còn có những luận bàn mang tính triết học về ý nghĩa của nhân sinh, về ý nghĩa của việc làm cha mẹ.

Đặc biệt, cuốn sách còn nói về nhiệm vụ “di truyền xã hội”- cha mẹ phải biết cách để lại giá trị tinh thần cho các thế hệ đi sau thông qua việc đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm và giá trị sống thay vì chỉ để lại tài sản cho con và những người thân.

Phẩm cách phụ nữ cũng được chào đón nhiệt liệt và tạo ra làn sóng tranh luận sổi nổi trên các diễn đàn của những người yêu sách tại Nhật Bản. Tính đến nay cuốn sách đã bán được 90 vạn bản tại Nhật Bản.

Ba cuốn sách được nhà NXB Phụ nữ phát hành vào tháng 8 năm 2018. Độc giả Việt Nam khi đọc “bộ ba phẩm cách” này chắc hẳn sẽ có rất nhiều suy ngẫm và liên tưởng thú vị xuất phát từ những sự tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ