Theo Defense News, kế hoạch nâng cấp máy bay ném bom B-52 hàng đầu của Washington xuất phát từ nguyên nhân chương trình máy bay thế hệ mới B-21 quá tốn kém và chậm tiến độ.
Phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom B-52, được đặt tên là B-52J, dự kiến sẽ có động cơ, radar, hệ thống điện tử hàng không và thiết bị liên lạc cải tiến mới, rõ ràng là nhằm giúp máy bay phù hợp hơn với chiến tranh hiện đại.
Bình luận về động thái này, nhà phân tích quân sự và tổng biên tập trang quốc phòng Arsenal, Dmitry Drozdenko, lưu ý rằng việc nâng cấp những chiếc B-52 cũ đáng tin cậy là có ích vì một số nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra những máy bay ném bom chiến lược đang bộc lộ những hạn chế nhất định.
Drozdenko nói: "Nếu chúng ta đang nói về B-2 Spirit, thì chiếc máy bay đó có một nhược điểm thú vị. Đầu tiên là chi phí cắt cổ. Và điều thứ hai là máy bay không phù hợp để phóng tên lửa: nó có thể mang bom nhưng không thể phóng tên lửa như máy bay của Nga hay B-52 của Mỹ".
Nhà phân tích nhận xét, mặc dù Mỹ hiện đang phát triển máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider mới có thể làm được tất cả những điều này, nhưng nhà thiết kế máy bay Northrop Grumman đã tuyên bố rằng cần nhiều tiền hơn cho dự án và thêm nhiều thời gian nữa để hoàn thành.
"Vì vậy, khi hoàn thiện máy bay sẽ ngày càng đắt hơn. Cũng giống như trường hợp của B-2 Spirit, nhiều khả năng số lượng B-21 được trang bị sẽ ít hơn đáng kể so với kế hoạch được công bố", Drozdenko nói.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông từ tháng 11/2023, chi phí dự kiến cho một chiếc máy bay B-21 vào thời điểm đó là khoảng gần 1 tỷ USD.
Drozdenko gợi ý rằng kế hoạch đại tu B-52 cũng có ý nghĩa vì máy bay ném bom chiến lược ngày nay về cơ bản đã trở thành bệ phóng tên lửa tầm xa trên không, không thực sự cần khả năng tàng hình vì chúng có thể giải phóng trọng tải từ bên ngoài vùng phủ sóng radar của đối phương.
Ông nhận xét: "Xem xét số lượng B-52 và khả năng của chúng, tại sao không nâng cấp chúng – điều đó sẽ có hiệu quả về mặt kinh tế".
Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý rằng nhà sản xuất B-52 Boeing thực sự có vấn đề lớn về chất lượng sản phẩm của mình, mặc dù ông đoán rằng Lầu Năm Góc có thể đưa ra biện pháp kiểm soát chất lượng bổ sung trong dự án B-52J.
Theo điều khoản Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) được Mỹ và Nga ký năm 2010, hai bên sẽ giới hạn số lượng hệ thống vũ khí hạt nhân trong biên chế mỗi nước.
Mỹ quyết định duy trì tối đa 76 oanh tạc cơ B-52H và chỉ được tăng số lượng máy bay này nếu chấp nhận cắt giảm những vũ khí chiến lược khác như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III và Trident.
New START cũng cho phép hai nước duy trì số lượng lớn khí tài trong trạng thái niêm cất, nhằm thay thế những hệ thống bị hư hỏng do tai nạn.
Không quân Mỹ có ít nhất 12 oanh tạc cơ B-52H được niêm cất trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, có thể trở lại hoạt động ngay khi có yêu cầu.