Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Penny Wong cho biết, Australia tái khẳng định lập trường lâu đời và trước đây của mình rằng Tây Jerusalem là vấn đề nên được quyết định trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và người dân Palestine.
“Điều này đảo ngược việc Chính phủ ông Morrison công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel” – tuyên bố trên cho biết.
Bà Wong nhắc lại rằng đại sứ quán của Australia sẽ vẫn ở Tel Aviv và Canberra cam kết thực hiện một giải pháp hai nhà nước. Trong đó Israel và một nhà nước Palestine trong tương lai cùng tồn tại, trong hòa bình và an ninh, trong biên giới được quốc tế công nhận.
“Chúng tôi sẽ không ủng hộ một cách tiếp cận làm suy yếu triển vọng này.” – Bà nói thêm.
Hiện trạng của Jerusalem là một trong những điểm mấu chốt lớn nhất trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine.
Ông Morrison tuyên bố chính phủ bảo thủ của ông sẽ công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel sau khi Hoa Kỳ quay trở lại chính sách hàng thập kỷ bằng cách công nhận thành phố này và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đây.
Quyết định trên của Australia đã bị chỉ trích rộng rãi bởi các nhóm ủng hộ người Palestine cũng như đảng Lao động trong nước. Khi đó, đảng này phản đối quyết định trên và hứa sẽ đảo ngược nó nếu được bầu.
Bà Wong nói thêm, chính phủ ông Anthony Albanese sẽ khuyến khích Australia nỗ lực hướng tới “một giải pháp hai nhà nước công bằng và lâu dài”. Đồng thời, bà cho biết Australia sẽ luôn là một người bạn kiên định của Israel.
Israel coi toàn bộ thành phố Jerusalem, bao gồm cả khu vực phía đông mà nước này sáp nhập sau chiến tranh Trung Đông năm 1967, là thủ đô của mình. Trong khi đó các quan chức Palestine, với sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, muốn Đông Jerusalem bị chiếm đóng làm thủ đô của một nhà nước trong tương lai mà họ hy vọng sẽ thành lập ở Bờ Tây và Dải Gaza bị chiếm đóng.