Số liệu thống kê của chính phủ liên bang Australia cho thấy hiện có khoảng 39.000 trẻ em dưới 7 tuổi ở nước này không được tiêm phòng do bố mẹ phản đối.
Bộ trưởng Các dịch vụ Xã hội Scoot Morrison cho rằng sẽ không công bằng đối với những người nộp thuế nếu tiếp tục trợ cấp cho các bậc cha mẹ từ chối tiêm phòng cho con cái của chính họ.
Số lượng cha mẹ phản đối tiêm phòng cho con cái tại Australia đã tăng hơn hai lần trong vòng một thập kỷ qua. Chính sách mới của Australia được cho là sẽ xóa bỏ được tình trạng này kể từ tháng 1/2016.
Hiệp hội Y tế Australia (AMA), đại diện cho 27.000 bác sỹ nước này, đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách mới.
Chủ tịch AMA Brian Owler cho biết: “Tiêm phòng là một trong những biện pháp y tế công cộng hiệu quả nhất của Australia. Nâng cao tỷ lệ tiêm phòng có vai trò hết sức quan trọng.”
Tuy nhiên, ông Brian bày tỏ lo ngại rằng chính sách mới của chính phủ sẽ không có hiệu quả triệt để, đặc biệt là đối với những trường hợp không cần trợ cấp xã hội. Ông Brian cảnh báo: “Trẻ em sẽ hứng chịu hậu quả do quyết định của bố mẹ mình mang lại.”
Theo chính sách mới, những bố mẹ quyết định không cho con đi tiêm phòng sẽ mất khoản trợ cấp tới 15.000 AUD/trẻ, trong đó có tiền hỗ trợ chăm sóc trẻ em, miễn giảm thuế phúc lợi gia đình…
Nhiều người Australia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các biện pháp buộc cha mẹ đi tiêm phòng cho con cái. Một thỉnh nguyện thư trực tuyến chống tiêm phòng bắt buộc tại Australia đã nhận được hơn 3.000 chữ ký ủng hộ chỉ trong vòng 5 ngày.
Một trong những nguyên nhân được những người này đưa ra là tiêm phòng có nguy cơ dẫn tới các mối nguy hại lớn hơn, trong đó có bệnh tự kỷ.
Trong khi đó, giới chuyên môn y tế khẳng định tiêm phòng là an toàn và việc phản đối tiêm phòng gây nguy hại tới cộng đồng do làm giảm sức đề kháng trước các bệnh dịch.
Hiện các trường mẫu giáo ở bang New South Wales đang yêu cầu trẻ em phải được tiêm phòng mới được đăng ký nhập học. Bộ trưởng Brian hy vọng các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác của Australia cũng sẽ thực hiện chính sách tương tự.