Người phụ nữ đã đến bệnh viện sau khi bị đau đầu kéo dài trong một tuần, báo cáo được công bố trên tạp chí Tropical Medicine and Hygiene (Mỹ).
Theo nghiên cứu, người phụ nữ này không có tiền sử du lịch nước ngoài. Trước đó, bệnh nhân thường xuyên bị đau đầu trong suốt 7 năm. Các cơn đau xuất hiện 2 - 3 lần/tháng.
Nhưng cơn đau đầu gần đây nhất của cô có vẻ khác so với bình thường. Nó không biến mất khi cô uống thuốc giảm đau. Các triệu chứng về thị giác của cô càng ngày càng trầm trọng hơn, đôi khi gây ra suy giảm thị lực.
Khi nhập viện, bác sĩ chụp MRI não cho bệnh nhân và phát hiện điểm bất thường. Các bác sĩ chẩn đoán cô có khối u trong não, đây cũng được xem là nguyên nhân gây các cơn đau đầu kinh niên. Nhưng khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật não để loại bỏ tổn thương, họ đã bị bất ngờ.
Tổn thương thực sự là một u nang, và nó không được làm từ mô người. Các xét nghiệm sâu hơn cho thấy nang có chứa ấu trùng sán dây.
Người phụ nữ được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán dây trong não, một bệnh ký sinh trùng xảy ra khi nạn nhân ăn phải những quả trứng siêu nhỏ từ sán dây lợn (Taenia solium).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khi trứng nở, ấu trùng có thể di chuyển khắp cơ thể, bao gồm não, cơ, da và mắt, nơi chúng tạo thành u nang.
Loại sán dây này phổ biến ở các nước đang phát triển, bao gồm các nước ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo ấu trùng làm tổ trong não lâu dài có thể gây teo cơ thần kinh, dẫn đến bệnh động kinh, thậm chí tử vong.
Tại Australia, tất cả các trường hợp được báo cáo nhiễm bệnh trước đây đều nằm trong số những người nhập cư hoặc đến các khu vực có dịch bệnh. Vậy làm thế nào mà người phụ nữ trên mắc bệnh vẫn là một điều bí ẩn.
Cô sinh ra ở Australia và chưa từng đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, mọi người đều có thể mắc bệnh sán dây thần kinh khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm sán dây. Người mang sán dây có thể truyền ký sinh trùng nếu họ không rửa tay đúng cách.
Nạn nhân là một nhân viên pha chế, và do đó, các tác giả suy đoán rằng cô ấy có thể đã nhiễm bệnh từ công việc của mình, vì đây là một nghề không thể tránh khỏi “tiếp xúc thường xuyên với những người từ nhiều vùng địa lý khác nhau”.
Nhưng nếu điều này thực sự đúng, đó sẽ là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra với vô số những người làm việc trong ngành khách sạn của Australia chưa từng bị nhiễm bệnh này.
Tuy nhiên, với sự thuận tiện về đi lại giữa các quốc gia, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi “sự lây nhiễm lẻ tẻ vẫn có thể xảy ra ở những người được coi là không có hoặc rất ít nguy cơ nhiễm Taenia solium”.
Trường hợp của người phụ nữ Australia tương tự như trường hợp của một phụ nữ ở New York được chẩn đoán mắc bệnh sán dây thần kinh vào năm ngoái. Bệnh nhân Rachel Palma cũng phát bệnh mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Các chuyên gia khuyến cáo, để ngăn ngừa tình trạng trên, chúng ta nên ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, bạn nên rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trong quá trình nấu ăn, chúng ta cũng cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.