ATACMS khiến Nga thiệt hại nhiều hơn công bố?

GD&TĐ - Theo Forbes, cuộc tấn công của lực lượng Ukraine bằng tổ hợp ATACMS có thể đã khiến quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề.

Ảnh vệ tinh chụp sân bay tại Berdyansk sau khi bị ATACMS tấn công.
Ảnh vệ tinh chụp sân bay tại Berdyansk sau khi bị ATACMS tấn công.

Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 17/10 thông báo thực hiện đợt tập kích thành công bằng tên lửa ATACMS nhằm vào sân bay gần thành phố Lugansk ở miền đông và Berdyansk ở miền nam, phá hủy 9 trực thăng và một bệ phóng tên lửa phòng không.

Nhưng sau khi phân tích ảnh vệ tinh chụp các căn cứ Nga, GeoConfirmed, nền tảng chuyên xác minh vị trí địa lý các thông tin chiến sự, cho rằng vụ tập kích bằng tên lửa ATACMS gây thiệt hại lớn hơn cho phi đội trực thăng Nga.

Căn cứ vào các vết cháy sém trên hình ảnh vệ tinh chụp sân bay sau vụ tập kích và đối chiếu với vị trí của khí tài Nga trước vụ tấn công, GeoConfirmed nhận định tên lửa ATACMS có thể đã phá hủy hoặc làm hư hỏng ít nhất 21 trực thăng, một đài radar và có thể là cả một tổ hợp Pantsir.

"Đây có thể là đòn giáng mạnh nhất vào không quân Nga kể từ đầu chiến sự", GeoConfirmed cho biết.

Fighter Bomber, phi công tiêm kích Nga trước đó cũng cho biết vụ tập kích là "đòn giáng nghiêm trọng nhất" mà không quân nước này hứng chịu tại Ukraine, nhưng không tiết lộ thiệt hại cụ thể.

Mặc dù đã gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng Nga ngay trong lần đầu ATACMS khai hỏa nhưng Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Mikhail Podolyak, thừa nhận:

"Ukraine kém xa Nga về số lượng tên lửa, nguồn cung từ các nước phương Tây không thể tác động triệt để đến vấn đề này. Ngay cả khi Mỹ chuyển giao tên lửa ATACMS và Đức cũng làm điều tương tự cũng không thể thay đổi được tình hình chiến sự hiện nay.

Ngay cả khi chúng ta có được Taurus và ATACMS, điều đó vẫn không bù đắp được sự khác biệt về số lượng cũng như tầm bắn khi đặt cạnh tên lửa của Nga", ông Podolyak nhấn mạnh.

Mẫu tên lửa ATACMS Ukraine nhận từ Mỹ là biến thể M39 sử dụng đạn chùm, có tầm bắn khoảng 165 km.

Tên lửa có trọng lượng 2 tấn, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, đầu đạn chứa 950 quả đạn con M74, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, có thể khai hỏa từ nhiều bệ phóng như pháo phản lực HIMARS và MLRS M270 trong biên chế quân đội Ukraine.

Theo giới chuyên gia, đặc tính gây sát thương trên diện rộng giúp M39 trở thành vũ khí thích hợp để tấn công các mục tiêu như sân bay của Nga.

Sĩ quan có biệt danh Bullet, chỉ huy một khẩu đội phòng không thuộc cánh quân Nam của Nga, cho biết lực lượng nước này chưa nắm rõ đặc điểm của ATACMS để đối phó do tên lửa này mới được đưa vào tham chiến tại Ukraine.

Clip Ukraine lần đầu sử dụng ATACMS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ