Vừa qua, Báo GD&TĐ có bài viết Cựu nhân viên Apax Leaders 'kêu cứu' vì bị công ty nợ lương, bảo hiểm. Sau khi đăng tải, Báo GD&TĐ tiếp tục nhận được phản ánh của một số người lao động từng là nhân viên, giáo viên Công ty CP Anh ngữ Apax (gọi tắt là Công ty Apax, có trụ sở chính tại Hà Nội) về tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm.
Nghỉ việc vì nợ lương kéo dài
Chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1997, trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) bắt đầu làm việc tại Trung tâm Anh ngữ Apax - Apax Leaders Vinh 2 (có địa chỉ tại số 146, đường Nguyễn Sỹ Sách, thành phố Vinh, Nghệ An) từ tháng 8/2019. Tháng 7/2020, chị Ngọc nghỉ theo chế độ để sinh con, đến tháng 2 năm sau chị quay trở lại làm việc.
“Thời điểm đó nhân viên trung tâm đã trong tình trạng bị chi trả lương theo đợt lẻ tẻ và nợ lương đều đặn tầm 1 tháng. Đồng thời, tôi còn bị nợ hơn 30 triệu thai sản. Tôi hàng tháng đều trình email lên Ban lãnh đạo về hoàn cảnh con nhỏ, dịch bệnh rất cần tiền. Tôi có thể bị nợ lương nhưng thai sản là quyền lợi đặc biệt của mình”, chị Ngọc trình bày.
Sau nhiều đợt thanh toán rời rạc, ngắt quãng, đến lúc người con của chị Ngọc được 14 tháng thì Công ty Apax mới chi trả hết số tiền bảo hiểm thai sản.
Trung tâm Anh ngữ Apax - Apax Leaders Vinh 1 lâu nay đang tạm dừng hoạt động. |
“Tôi vẫn tiếp tục ở lại với niềm tin công ty và chuỗi hệ thống trung tâm Apax toàn quốc không thể bị đánh bại bởi dịch Covid-19. Tôi chấp nhận nhận lương theo giai đoạn, có khi được trả 2 triệu, 3 triệu thậm chí có những đợt nhận mấy trăm nghìn và chấp nhận nợ lương để đồng hành cùng trung tâm”, chị Ngọc tâm sự.
Đến tháng 9/2021, chị Ngọc chuyển về trung tâm Apax Leaders Vinh 1 (có địa chỉ tại số 7, đường Quang Trung, thành phố Vinh) làm Chủ nhiệm lớp, Chủ nhiệm lớp cấp cao và kiêm nhiệm thêm chức vụ Quản lý vận hành vì nhân sự các bộ phận này dần nghỉ việc và bị trống.
“Sau rất nhiều sự hứa hẹn của Ban lãnh đạo trung tâm, Giám đốc vùng về việc tháng 6/2022 trung tâm sẽ trở lại trạng thái bình thường và nhân viên chắc chắn sẽ được trả lương đầy đủ, đúng hẹn theo cam kết của hợp đồng.
Thế nhưng đến tháng 8/2022 mọi thứ vẫn như vậy và không có gì tiến triển. Giáo viên không có, lớp mở lại chậm, phụ huynh rút phí và phản ánh gay gắt khiến chúng tôi phải đứng ra xoa dịu. Tôi và các nhân sự khác rất mệt mỏi và thất vọng. Thời điểm đó, tôi quyết định xin thôi việc và dừng công việc tại Apax Vinh 1 (tháng 8/2022)”, chị Ngọc kể lại lý do nghỉ việc của mình.
Chị Ngọc cho biết, tính đến thời điểm nghỉ việc, Công ty Apax còn nợ mình hơn 60 triệu đồng, bao gồm tiền lương và phụ cấp lên chức, phụ cấp kiêm nhiệm.
“Từ lúc nghỉ việc, tôi có trình mail về vấn đề yêu cầu có lộ trình trả lương nhưng chưa được phản hồi đúng trọng tâm. Câu trả lời đều là xác nhận các thông tin, đã hoàn thành hồ sơ nghỉ việc hay chưa, hẹn tôi phản hồi sau 3 ngày nhưng mất hút thông tin”, chị Ngọc thông tin.
Tại Nghệ An, Công ty Apax từng có 3 trung tâm Apax Leaders, nhưng hiện nay 2/3 trung tâm đang tạm dừng hoạt động, học sinh được chuyển về Apax Leaders Vinh 2 học tập. |
Nợ lương vì ảnh hưởng dịch Covid-19?
Trong khi đó, chị Bùi Thị Tú Trinh (SN 1994, trú tại thành phố Vinh) từng là Giáo viên ngữ pháp, Chủ nhiệm lớp tại Apax Leaders Vinh 2 cho biết, đến nay Công ty Apax vẫn còn đang nợ mình hơn 38 triệu đồng tiền lương.
Ngoài ra, trong thời gian làm việc tại Apax (từ tháng 10/2020 đến cuối tháng 3/2022), tiền lương của chị luôn được công ty khấu trừ để đóng BHXH. Tuy nhiên, trên App BHXH chị Trinh cài trên điện thoại lại không hiển thị quá trình mình tham gia bảo hiểm.
“Tôi nhiều lần mail đòi quyền lợi, nhưng một số mail có phản hồi, một số mail nhân sự không phản hồi. Những mail phản hồi hầu như đều chung một format là mong nhân viên thông cảm và thông báo lộ trình thanh toán, nhưng công ty không thực hiện đúng như trong mail phản hồi”, cựu nhân viên Apax Leaders Vinh 2 chia sẻ.
Theo chị Trinh, phía công ty giải thích việc nợ lương là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gặp khó khăn về tài chính và coi đây như là một khoản nhân viên cho doanh nghiệp vay, tính lãi suất như ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại thì phần lãi này không còn được nhắc đến.
Sau nhiều lần đòi quyền lợi nhưng không được, chị Trinh và chị Ngọc đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An với hy vọng cấp trên có thể giúp mình đòi lại quyền lợi đáng được nhận.
“Tôi vừa kết hôn, rất cần số tiền để trang trải cuộc sống và kế hoạch sinh em bé sắp tới. Rất mong các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, góp thêm tiếng nói để giúp tôi và các bạn nhân viên cũ đòi quyền lợi. Sớm nhận được khoản lương do sức lao động của mình làm nên và quá trình tham gia bảo hiểm mà công ty vẫn trừ hàng tháng”, người phụ nữ này mong mỏi.
Một số email trao đổi với Công ty Apax được chị Trinh cung cấp cho PV. |
Tương tự, chị Ngọc cho biết việc nợ lương ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mình. Từ việc nuôi con đến chi tiêu mọi thứ rất chật vật và gần như phải phụ thuộc vào chồng và bố mẹ.
"Tôi rất mong công ty có thể phục hồi như ngày xưa, nhưng trước hết muốn vững mạnh thì phải đảm bảo đời sống, quyền lợi cho nhân viên”, chị Ngọc tâm sự.
Trước đó, Ban Truyền thông, Công ty CP Anh ngữ Apax xác nhận với PV Báo GD&TĐ việc có một số nhân viên Apax Leaders tại Nghệ An đang bị nợ lương và cho biết công ty sẽ sớm có phương án chi trả cho người lao động.
Công ty CP Anh ngữ Apax là thành viên của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thủy được công chúng biết đến với tên gọi “Shark Thủy” trong chương trình Shark Tank Việt Nam, phát sóng trên kênh VTV3.
Thông tin từ BHXH thành phố Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 9/2022, Công ty CP Anh ngữ Apax đang nợ tiền bảo hiểm của 415 người lao động với tổng số tiền hơn 48,7 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Apax Holdings nợ hơn 664 triệu đồng của 107 lao động.
Ngoài ra, một thành viên khác của Apax Holdings là Công ty CP phát triển Giáo dục Igarten cũng nợ hơn 12 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 690 lao động; công ty mẹ là Tập đoàn Giáo dục Egroup nợ hơn 3 tỷ đồng.