Cùng con vượt qua
Kết thúc học kỳ II, chị Vy Thị Vựng (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) hào hứng chờ đợi kết quả học tập của con sau một năm học. Thế nhưng, chị thoáng buồn khi kết quả môn Tiếng Việt không như kỳ vọng. Tuy nhiên, điều khiến chị lo lắng hơn cả là với kết quả này, con sẽ tự tạo áp lực cho mình.
Chị Vựng tâm sự: “Năm qua, biết con học yếu và sợ môn Tiếng Việt, tôi đã dành thời gian để củng cố kiến thức, hỗ trợ con rèn luyện ở nhà. Con cũng đặt mục tiêu rõ cho môn học này nên khi không đạt điểm tốt thì khá buồn. Thay vì phê bình, tôi động viên con. Tổng kết năm học, tôi đã nhờ cô góp ý để trong hè hướng dẫn con gia cố lại kiến thức”.
Cô Hoàng Thị Thanh Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cho hay, nhiều phụ huynh kỳ vọng trẻ phải đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1 nên đăng ký học thêm khá nhiều. Kết quả sau một năm học không đạt như mong muốn khiến họ cảm thấy thất vọng, tạo áp lực ngược lại với trẻ.
Từ thực tế này, cô Thu lưu ý, phụ huynh cần cân nhắc năng lực của con đến đâu để có định hướng, mục tiêu cụ thể. Ngoài học kiến thức, nên tạo điều kiện để trẻ học kỹ năng sống. Nếu việc học của con quá áp lực, không có thời gian thư giãn, tái tạo năng lượng… có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm sinh lý, thậm chí suy nghĩ tiêu cực.
Tương tự, cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) cho rằng, để phụ huynh hiểu và đồng hành khi các em không đạt kết quả học tập như kỳ vọng, trước khi công bố kết quả tổng kết năm học, tại cuộc họp phụ huynh, giáo viên nhà trường sẽ tuyên truyền, phân tích nhằm giúp cha mẹ hiểu, trân trọng kết quả các con đã đạt, tuyệt đối không tạo áp lực.
Cùng đó, ngoài những học sinh có kết quả học tập tốt, được khen thưởng, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có thư khen riêng để ghi nhận những cố gắng, nỗ lực và thế mạnh, sở trường từng em trong lớp.
Cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) góp ý, phụ huynh phải biết trẻ có sở trường như thế nào. Không phải học đuối hơn các bạn một chút đã đánh giá là học kém. Có thể trong tiêu chuẩn của môn học này, học sinh vẫn đảm bảo nhưng để nổi bật hay xuất sắc thì chưa tới. Do đó, việc chuyển trẻ sang lớp này lớp kia cũng không có nhiều ý nghĩa. Cha mẹ nên động viên khuyến khích và tăng cường trao đổi để các em mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ, từ đó cố gắng hơn.
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ |
Đổi mới hình thức khen thưởng
Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nêu quan điểm, thực tế áp lực không phải là điều xấu, quan trọng áp lực khi nào, với ai và như thế nào? Đối với thành tích học tập cuối năm của học sinh đôi khi áp lực đến từ sự kỳ vọng của cha mẹ, so sánh giữa các bạn, cũng có thể đến từ xu thế, dư luận xã hội khi trào lưu khoe thành tích còn khá phổ biến trên mạng xã hội và trong các câu chuyện đời thường.
Để giải quyết áp lực đó, theo thầy Mạnh, trước tiên cha mẹ cần hiểu rằng, kỳ vọng hay áp lực quá mức là việc làm không nên. Bởi như vậy không có tác dụng mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe tâm thần các em. Thành tích học tập chỉ là một trong nhiều kênh khác nhau để thể hiện năng lực một con người.
Bên cạnh đó, nhà trường cần làm tốt hơn nữa vai trò tư vấn để giúp cha mẹ hiểu giáo dục hiện nay có nhiều thay đổi, trong đó có cả đổi mới việc khen thưởng học sinh. Nhà trường không chỉ nên khen thưởng học sinh đạt thành tích tốt về điểm số mà cần có thêm các hình thức khen thưởng về năng lực, ý chí, tinh thần trách nhiệm, khả năng kết nối...
“Cộng đồng xã hội cần hiểu các nội dung khen thưởng không nên chỉ suy tôn học sinh có điểm số cao. Vai trò của truyền thông, báo chí cũng cần được phát huy mạnh mẽ hơn để giúp người dân hiểu về đổi mới giáo dục, khen thưởng”, thầy Đào Chí Mạnh khẳng định.
Tương tự, thầy Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhấn mạnh, phụ huynh nào cũng kỳ vọng con mình có kết quả rèn luyện, học tập ở mức cao nhất. Điều này hoàn toàn chính đáng vì cha mẹ mất bao công sức sinh thành, nuôi con ăn học cũng như mong con giỏi thì sau này cuộc đời sẽ đỡ khổ, có cơ hội thành công hơn.
Tuy nhiên, như một thói quen, nhiều phụ huynh, nhà trường, thầy cô giáo luôn tỏ ra buồn phiền, không hài lòng, áp lực ngược trở lại với học sinh nếu có kết quả không như mong muốn. Lo lắng của phụ huynh cũng là điều dễ hiểu khi trò chuyển cấp vào những trường chất lượng cao hoặc đi du học thì kết quả học tập các năm học là chỉ số rất quan trọng cho việc nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, cha mẹ nên hiểu rõ năng lực và phẩm chất, cá tính của trẻ cũng như quá trình học tập để xác định được kết quả đầu ra có phù hợp với diễn biến tâm sinh lý, nỗ lực học tập hay không. Và nên chấp nhận nếu đánh giá của nhà trường là phù hợp với năng lực, phẩm chất thực sự của trẻ.
“Kỳ vọng quá cao sẽ khiến trẻ áp lực và stress. Chúng ta nên ủng hộ những quy định, đánh giá mới, tiến bộ phù hợp với xu thế của thế giới do Bộ GD&ĐT đặt ra. Chỉ khi thực sự buông bỏ việc chạy theo thành tích, chúng ta mới có được trường học hạnh phúc, học trò hạnh phúc khi đến trường và trở về nhà với nụ cười rạng rỡ”, thầy Nguyễn Quang Tùng bày tỏ.
Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, ngành Giáo dục những năm qua có nhiều giải pháp để giảm “bệnh thành tích”, nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Khoản 2, Điều 9, Thông tư 27/2020 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học gồm 4 mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Thực tế nhiều học sinh tiểu học có kết quả học tập các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh rất cao nhưng môn Âm nhạc, Thể dục lại thấp nên không thể đạt mức hoàn thành xuất sắc. Điều này khiến nhiều phụ huynh băn khoăn vì đây là một trong các tiêu chí quan trọng để một số trường THCS chất lượng cao tuyển sinh vào lớp 6. Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương khẳng định, để tìm ra học sinh hoàn hảo, học giỏi các môn không nhiều.
“Để hạn chế “bệnh thành tích” trong giáo dục thì việc đánh giá học sinh tiểu học chỉ cần ở mức Hoàn thành hoặc Không hoàn thành, không có Hoàn thành xuất sắc. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát việc tổ chức các kỳ thi dành cho học sinh tiểu học phải thực sự phù hợp, không chỉ thi kiến thức mà còn về năng khiếu thể thao, kỹ năng sống, thuyết trình, trải nghiệm. Khi đó, các em mới thực sự được phát triển toàn diện”, TS Vũ Thu Hương trao đổi thêm.