Áp lực từ “Sổ theo dõi lớp“

GD&TĐ - Đã nhiều năm qua, trường tôi và cả một số trường bạn có sáng kiến lập một sổ ghi nhận vi phạm của học sinh với cái tên nghe khá ấn tượng là “Sổ theo dõi lớp”. Cứ như là... hồ sơ nghiệp vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật vậy.

Áp lực từ “Sổ theo dõi lớp“

Các loại sổ trong nhà trường

Sổ này được cấp phát cùng với sổ đầu bài mỗi ngày và do giáo viên dạy lớp ghi nhận theo từng tiết. Nếu các em sao đỏ có một sổ ghi chép riêng để cho điểm, đánh giá về hoạt động, vi phạm của các bạn và chỉ có thầy cô phụ trách công tác đoàn, đội biết thì sổ theo dõi này để ngay tại bàn giáo viên và do thầy cô phê ngay nếu học sinh có hành vi sai trái xảy ra tại lớp.

Tất nhiên mọi vi phạm được quy ra điểm bị trừ trong thi đua của tuần, đặc biệt điểm trừ từ Sổ theo dõi rất lớn nên giáo viên chủ nhiệm rất ngán đồng nghiệp, nhất là các đồng nghiệp không làm công tác chủ nhiệm lớp mà chỉ dạy bộ môn hay dạy khác khối. Nếu một tiết học được xếp loại tốt, lớp được cộng 10 điểm, nhưng chỉ một ghi nhận của giáo viên trong tiết là có học sinh vô lễ với thầy cô, điểm bị trừ chỉ riêng khoản này sẽ gấp đôi. Lớp nào có ghi nhận như đã nói thì cầm chắc đèn đỏ khi tổng kết thi đua tuần.

Nhưng điều đáng nói là thầy cô đánh giá sự vô lễ của các em còn quá cảm tính. Học sinh khi giao tiếp với thầy cô quên không thưa, dạ... bị cho là vô lễ; chưa cho phép đã tự ý ngồi xuống là vô lễ; bày tỏ ý kiến không hợp lý, không đứng lên… cũng là vô lễ… Lẽ ra khi học sinh mắc phải các sai sót này, người thầy thay vì cần uốn nắn, rèn kỹ năng sống tại lớp cho các em thì lại trút cơn thịnh nộ cho hả giận. Hậu quả cả lớp phải chịu.

Học sinh vô tình trở thành thủ phạm làm cho lớp tụt hạng, bị giáo viên chủ nhiệm chì chiết, bị bạn bè trút hết cơn giận vào mình. Còn thầy cô phê vào Sổ theo dõi làm cho lớp mất điểm thi đua không còn được học sinh quý mến, giảm sự thân thiện, vì các em chưa nhận thức được tác động của lời phê ở nhiều thầy cô là muốn lớp phấn đấu sửa sai, giúp bạn tiến bộ chứ không phải là “ác” với tập thể lớp.

Có giáo viên khi biết đồng nghiệp từng ghi nhận vào Sổ theo dõi những vi phạm của học sinh lớp mình đã không bình tĩnh xem mức độ, thực chất ra sao để có biện pháp giúp đỡ, lại ra sức gợi ý các em phải “cảnh giác” với các thầy cô này.

Khá hài hước là khi sắp đến giờ của đồng nghiệp, thay vì lưu ý các em nên học tập nghiêm túc tránh lặp lại vi phạm đã xảy ra, thì giáo viên chủ nhiệm nghiêm mặt hô to trước lớp “cả lớp cẩn thận”! Cứ như sắp bước vào một cuộc chiến đấu vậy. Đồng nghiệp ngẩn người không biết vì sao đến giờ mình dạy mà giáo viên chủ nhiệm lại làm thế.

Đã vậy, có một số giáo viên nẩy quyết tâm “hạ” cho bằng được lớp đối thủ bằng cách ghi các sai sót của học sinh đầy cả trang, tỉ mỉ đến những lỗi chỉ cần nhắc tại chỗ là xong như: nói chuyện, quên đem đồ dùng học tập, vào lớp sau giáo viên, quên đeo huy hiệu, khăn quàng… Những lỗi bị trừ nhiều điểm nhất sẽ được giáo viên “ưu tiên” ghi nhận, và như thế một cuộc chiến ngầm trong nội bộ giáo viên đã diễn ra.

Có trường hợp lớp bị đồng nghiệp ghi vi phạm vào Sổ theo dõi, lập tức giờ sau khi dạy lớp của đồng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm “gởi lại” bằng ấy vi phạm của học sinh lớp bạn cho đúng câu “ăn miếng trả miếng”. Đồng nghiệp thấy vậy liền thông báo khắp nơi đây là hành động nhỏ nhen, xấu bụng…, ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong nhà trường. Riêng những giáo viên chủ nhiệm cùng một khối hay có giờ dạy ở lớp bạn thường không ghi nhận sai sót mà chỉ trao đổi miệng, tránh làm mất điểm thi đua và mất lòng nhau.

Ngoài việc giao cho thầy cô đứng lớp việc theo dõi học sinh, các thầy cô làm công tác đoàn, đội còn trực tiếp xuống “hiện trường” để bảo vệ nền nếp của nhà trường. Các buổi kiểm tra đột xuất tại lớp và trong giờ chào cờ được tiến hành không báo trước. Một vi phạm mà ban theo dõi nền nếp này luôn chú ý phát hiện là tìm các học sinh nam để tóc dài.

Việc không có gì đáng nói nếu ban này không tuân theo một quy định khó hiểu, chưa thấy có trong văn bản nào: đó là bất cứ học sinh nam nào có đầu ngọn tóc khi chải xuôi mà quá chân mày là vi phạm nội quy, chịu ảnh hưởng khi xếp loại hạnh kiểm! Lý luận của ban này là ở phía sau, đầu chân tóc phải trên cổ áo, phía trước mặt khi kéo xuống, phải trên chân mày mới được xem là đúng nội quy!

Chính vì vậy có những học sinh dù tóc đã cắt cẩn thận, chải tươm tất vẫn bị các thầy cô đến tận chỗ ngồi dùng tay kéo từng lọn tóc xuống đo xem có quá chân mày hay chưa, trông thật phản cảm nếu không muốn nói là phản tính giáo dục.

Bên cạnh Sổ theo dõi học sinh, nhiều trường còn có cả một mục theo dõi các vi phạm, do giáo viên trực buổi ghi nhận vào sổ chung theo từng buổi. Những vi phạm này sẽ bị trừ điểm khi tính thi đua hàng tuần. Rồi do năng lực diễn đạt của giáo viên không giống nhau nên có trường hợp học sinh đùa giỡn mạnh bạo trong lớp, giáo viên dạy ghi là “vi phạm đánh nhau” trong Sổ theo dõi, giáo viên trực tuần cứ theo quy định mà trừ điểm thi đua ở mức tối đa.

Khi ban giám hiệu xem lại để thông báo cho giáo viên chủ nhiệm uốn nắn học sinh thì thấy không có việc đánh nhau nào xảy ra! Nhưng lớp thì đã bị xếp chót vì lỗi quá nặng như quy định. Có cô giáo quyết không thay đổi kết luận cho rằng học sinh “vô lễ với giáo viên” dù ban giám hiệu đã phân tích cho cô hiểu đó là câu nói phản ứng nhất thời không mang tính chất vô lễ; vì tuổi các em còn nhỏ, năng lực diễn đạt còn hạn chế, chưa kể lời nói của cô cũng tác động ức chế học sinh… Song kết quả lớp vẫn bị trừ điểm thi đua.

Nói chung, việc quan tâm nắm tình hình hoạt động của học sinh là cần thiết. Việc này giúp giáo viên chủ nhiệm gần gũi, kịp thời động viên, biểu dương việc làm tốt cũng như phê bình, sửa sai cho các em. Lập sổ ghi nhận không có gì sai nhưng đặt tên là Sổ theo dõi học sinh tạo áp lực không nhỏ cho cả thầy và trò. Và việc sử dụng sổ để trừ điểm thi đua của lớp có phần không hợp lý vì đa số là lỗi cá nhân.

Những học sinh mắc sai phạm không thấy trách nhiệm của bản thân vì tất cả đã có tập thể chịu. Mối quan hệ giữa thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp dễ bị tác động xấu. Hơn nữa các vi phạm của cá nhân có điều kiện lan truyền khắp trường tạo nên thành kiến bất lợi cho các em về lâu dài. Bất kỳ một giáo viên nào, một học sinh nào cũng có thể đọc được những điều ghi chép từ sổ này mà không gặp khó khăn gì.

Rõ ràng là, các nhà trường nên xem lại việc quá tập trung đến việc ghi nhận vi phạm của học sinh, liên quan đến cách giải quyết của giáo viên. Người thầy cần được tham gia học tập, biết cách xử lý các tình huống vi phạm của học sinh, hướng dẫn các em làm tốt kịp thời, mọi lúc mọi nơi, chứ không phải đợi vi phạm xảy ra rồi ghi vào sổ để trừ điểm thi đua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian