Các nhà trường đã sử dụng và quản lý khá tốt loại sổ điểm lớn của lớp, của học sinh qua ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên bộ môn và bộ phận văn phòng, giáo vụ có trách nhiệm nhập các cột điểm vào hệ thống phần mềm được thiết lập sẵn theo đợt, khi có điểm các bài kiểm tra.
Đến cuối học kỳ, cả năm, máy tính, phần mềm tự tính điểm, kết quả xếp loại từng bộ môn, từng học sinh, từng lớp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn không còn cảnh khổ sở, phải lui cui, mày mò tính điểm trung bình cho từng học trò bằng thủ công, máy tính cầm tay trước đây nữa.
Thực tế, chúng tôi nhận thấy, hồ sơ, sổ sách của các thầy cô giáo bây giờ khá đơn giản, nhẹ nhàng không còn lỉnh kỉnh, nặng nề, đủ loại như thời trước năm 2014. Các giáo viên cũng ghi nhận, đánh giá cao sự chuyển biến tích cực về nhận thức và việc làm của Ban Giám hiệu nhà trường, các Phòng cho tới Sở GD&ĐT đối với nội dung, yêu cầu chấn chỉnh lạm dụng các hồ sơ, sổ sách của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, đâu đó một số nhà trường, thầy cô giáo vẫn chưa nghiên cứu kỹ và vận dụng tốt tính năng của một số loại sổ sách theo quy định của Bộ nên tiếp tục tự bày vẽ thêm các loại sổ thừa thãi, không cần thiết để làm khổ chính mình. Ví dụ sổ chủ nhiệm đã được thiết kế rất đầy đủ từ danh sách học sinh, cán sự lớp, kế hoạch tuần, tháng; theo dõi học tập, hạnh kiểm đến những trang để ghi các khoản đóng góp, học phí…
Giáo viên làm công tác chủ nhiệm chỉ cần 1 cuốn ấy thôi trong cả năm học là quá đủ. Đằng này, có thầy thêm sổ theo dõi HS, có cô thêm sổ thu học phí… Sổ ghi kế hoạch giảng dạy (ở mục b, Điều lệ trường phổ thông) cần được hiểu đầy đủ là, sổ ghi kế hoạch giảng dạy ngắn hạn (theo tuần) mà nhiều trường thường gọi là Lịch báo giảng (được thiết kế sẵn, giáo viên chỉ ghi tên bài, tiết thứ mấy, tuần để nhà trường, tổ chuyên kiểm tra, đối chiếu với thực tế giảng dạy ở trên lớp) và sổ kế hoạch giảng dạy dài hạn (cho cả năm).
Nhiều tổ chuyên môn ở các địa phương thường tích hợp tất cả lại (kiến thức, phương pháp, lồng ghép, tích hợp, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi….) thành một quyển, dùng chung cho cả tổ trong từng năm học (đầu năm phân công cho một nhóm giáo viên làm, mỗi người làm mỗi đoạn, phần, sau đó bàn bạc, thống nhất).
Tôi cho đó là cách làm hay, khá linh hoạt vừa đỡ mất thời gian, công sức của từng giáo viên vừa có sự đồng bộ, thống nhất trong tổ, nhóm khi triển khai, thực hiện. Thiết nghĩ, các nhà trường, giáo viên có thể học hỏi, vận dụng và thực hiện ngay tại đơn vị của mình.