Tác động từ nhiều phía
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Hoàng Phương Ngọc - Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Một trong những nguyên nhân khiến cô nhiều lần bị căng thẳng xuất phát từ các em học sinh. Hàng ngày phải đối diện với nhiều học sinh có trình độ khác nhau. Với những học sinh giỏi, các em rất kỳ vọng vào giáo viên, bởi các em cập nhật được nhiều kiến thức quốc tế, trong khi những gì giáo viên được học đều đã cách đây 10 -15 năm.
"Đây cũng là áp lực không nhỏ đối với giáo viên. Chúng tôi buộc phải tự trau dồi, nâng cao chuyên môn để đáp ứng với yêu cầu của học sinh. Vì nếu các em không tâm phục thì không thể yêu thầy cô được. Khi đó giáo viên càng thấy bị áp lực hơn. Còn với học sinh trung bình, nếu giáo viên dạy kiến thức nâng cao, các em sẽ không hiểu bài. Lúc đó cả phụ huynh và học sinh đều không hài lòng. Chưa kể, trong lớp còn nhiều học sinh cá biệt về tính cách, hoàn cảnh gia đình mà buộc giáo viên phải tìm hiểu, chú trọng đến tâm lý của các em" - cô Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, theo cô Ngọc, ở trường công lập, một lớp có thể lên tới 60 học sinh. Việc thiết kế bài giảng và giảng dạy sao cho phù hợp với tất cả học sinh cũng là thách thức lớn với giáo viên. Đấy là chưa kể nhiều lúc giáo viên phải làm thêm công việc của những nhà tâm lý, đôi khi giống như cha mẹ các em.
Còn theo cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội), đôi khi áp lực đến từ cha mẹ học sinh. Chẳng hạn có những sự việc rất nhẹ nhàng, nhưng phụ huynh không chia sẻ với giáo viên và họ đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người hiểu sai về sự việc. Cũng có người gần như không cộng tác với giáo viên trong việc chăm lo cho con cái.
Đồng quan điểm, cô Phan Thị Hồ Điệp - giảng viên Khoa Giáo dục Đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Phụ huynh bị áp lực về điểm số và đặt kỳ vọng quá cao vào con mình. Họ luôn mong muốn trẻ phải đạt điểm cao, phải có thành tích trong các cuộc thi. Đây cũng chính là áp lực đối với giáo viên khi mà họ cứ phải chạy theo mong muốn của phụ huynh.
Ngoài ra, một số phụ huynh không coi nhà trường là đồng minh trong giáo dục con cái; họ ít cập nhật kiến thức và kinh nghiệm dạy con. Nhiều phụ huynh nhìn vào đời sống học đường với một lát cắt hẹp, coi nhà trường cũng giống như một cơ sở dịch vụ độc lập phải lo trọn gói cho con mình. Còn có những phụ huynh không chọn cách cư xử lịch thiệp, đi dép lê, mặc quần áo ngủ vào trường... Những tác động đó không có lợi trong sự phát triển các mối quan hệ thầy cô với học trò; giữa học trò với nhà trường và tạo ra những áp lực, căng thẳng cho giáo viên.
Lớp học quá đông học sinh cũng tạo ra áp lực cho giáo viên |
Giúp giáo viên giải tỏa áp lực
Ở một góc nhìn khác, PGS. TS Trần Thị Lệ Thu - Tổ Tâm lý học ứng dụng, Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, áp lực của giáo viên thường được xem xét ở nhiều khía cạnh. Nếu áp lực vừa sức, giáo viên có tư duy tích cực và có đủ ý chí, năng lực ứng phó thì chính áp lực lại trở thành động lực để giáo viên vượt qua khả năng hiện tại và đổi mới, sáng tạo trong giáo dục học sinh.
"Giáo viên cũng là con người, họ có cuộc sống riêng, đặc điểm nhân cách riêng; xã hội không có ai hoàn hảo (nhân vô thập toàn), nghề giáo cũng như bao nghề khác, có những thuận lợi nhưng cũng có những riêng biệt, thách thức. Chính vì vậy, giáo viên cũng như bao cá nhân bình thường khác, họ cần được thấu hiểu từ nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh và cần được tôn trọng, đồng hành cũng như trợ giúp kịp thời khi cần, để ngày một cải thiện và trở nên tốt hơn" - PGS. TS Trần Thị Lệ Thu chia sẻ.
Cũng theo PGS. TS Trần Thị Lệ Thu, khó có một giải pháp duy nhất và tối ưu cho thực trạng nêu trên. Điều chúng ta cần làm trước khi có bất cứ giải pháp cụ thể là hiểu và chấp nhận xã hội luôn đa dạng, phong phú. Xã hội không hoàn hảo, giáo viên và học sinh cũng không hoàn hảo. Vì thế, giải pháp nào cũng cần tiếp cận hệ thống, nhìn nhận thấu đáo mọi mắt xích.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Tính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), để giúp giáo viên phá bỏ áp lực từ phía gia đình, mỗi phụ huynh trước hết cần giúp thầy cô yên tâm công tác bằng sợi dây kết nối của lòng tương kính, thái độ hòa nhã và sự hợp tác thân thiện trong quản lý, giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, cán bộ quản lý nhà trường cần tạo ra môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để mỗi người thầy có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải để tìm tiếng nói chung, tìm được sự sẻ chia áp lực từ tập thể, các cơ quan đoàn thể và các cấp lãnh đạo.