Áp lực không tên đè vai nhà giáo: Hành chính hóa giáo viên

GD&TĐ - Dù Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị cấm các sở, phòng, trường không quy định thêm những loại hồ sơ, sổ sách ngoài giáo án, sổ chuyên môn… tuy nhiên, tại không ít trường học, tình trạng hành chính hóa giáo viên khiến thầy cô giáo phải “ôm” nhiều thứ. Mệt mỏi, mất thời gian nên việc quan tâm đến học trò, chất lượng giáo dục ít nhiều bị ảnh hưởng.

Giáo viên cần được tập trung vào chuyên môn, tránh áp lực hành chính hóa.
Giáo viên cần được tập trung vào chuyên môn, tránh áp lực hành chính hóa.

Thầy cô… kêu trời

Việc hành chính hóa giáo viên với nhiều loại sổ sách đã có từ lâu. Giáo viên ngoài giáo án còn phải “gánh” thêm nhiều loại sổ sách khác như sổ ghi kế hoạch công tác cá nhân, sổ điểm, dự giờ, sổ sinh hoạt lớp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chủ nhiệm... Tình trạng hành chính hóa, lạm dụng các loại sổ sách khiến giáo viên chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Theo chia sẻ của các giáo viên, các loại sổ sách như kế hoạch giảng dạy tuần, tháng, năm; kế hoạch sử dụng, quản lý đồ dùng dạy học; kế hoạch tích hợp; thực hiện chuyên đề; thực hiện từng chuyên đề; bồi dưỡng thường xuyên (viết tay); phụ đạo, ôn học sinh giỏi; kế hoạch kiểm tra chuyên đề; bồi dưỡng năng khiếu… khiến giáo viên mệt mỏi và không có hiệu quả.

Sở dĩ giáo viên phải làm các loại sổ sách này để đảm bảo yêu cầu của ban giám hiệu. Sâu xa hơn là “đề phòng” sự kiểm tra của cấp trên để không bị góp ý, nhắc nhở, cắt thi đua...

Trao đổi về việc hành chính hóa giáo viên, thầy Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Văn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) chia sẻ: “Quy định về hồ sơ, sổ sách trong điều lệ nhà trường đã rõ ràng. Nếu thực hiện đúng như quy định không hề tạo ra áp lực cho giáo viên. Thế nhưng, tại nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng “đẻ” thêm một số quy định về hồ sơ, sổ sách, làm khó giáo viên.

Việc của giáo viên là dạy cho tốt, nếu bị sổ sách “hành” như thế làm sao đảm bảo việc dạy được. Có nơi, thời điểm đầu năm và cuối năm học, nhiều người phải thức mấy đêm liền để hoàn thành. Nào là soạn giáo án tay,  sổ chủ nhiệm cũng viết tay, sổ vào điểm không được gạch xóa một chữ… trong khi công việc chính của giáo viên là tập trung phát triển chuyên môn thay vì nặng nề về hồ sơ, sổ sách”. 

Một giáo viên khác tâm sự: Các loại hồ sơ, sổ sách này được thực hiện rải ra trong suốt cả năm học. Nếu giáo viên thực hiện nghiêm túc mỗi ngày thì công việc thực tế rất nhẹ nhàng, không có gì là áp lực.

Cái khó là ở mỗi trường, việc thực hiện, chỉ đạo không nhất quán khiến tình trạng hành chính hóa giáo viên thêm nặng nề. Bên cạnh đó còn có tình trạng “đẻ” ra thêm các loại sổ sách khác… Những áp lực này không mang lại hiệu quả tích cực cho công tác dạy học, trái lại khiến giáo viên mất quá nhiều thời gian, công sức vào việc ghi chép sổ sách, ảnh hưởng tới thời gian đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Việc dạy học đã mệt mỏi, giáo viên còn phải ôm nhiều thứ sổ sách nên việc quan tâm đến học trò, chất lượng giáo dục ít nhiều bị ảnh hưởng.
Việc dạy học đã mệt mỏi, giáo viên còn phải ôm nhiều thứ sổ sách nên việc quan tâm đến học trò, chất lượng giáo dục ít nhiều bị ảnh hưởng.

Diễn đàn mạng dậy sóng

Sổ sách làm khổ GV trở thành chủ đề thu hút nhiều người trên các diễn đàn. Nhiều GV kêu trời về tình trạng “bão” sổ sách. Nào là sổ giáo án, sổ điểm, kế hoạch giảng dạy, chuyên đề bộ môn, đầu bài, dự giờ, sổ dạy thêm, hội họp, chủ nhiệm, mượn đồ dùng dạy học, học bồi dưỡng thường xuyên... đều đến tay thầy cô.

Không chỉ có sổ sách theo quy định của Bộ GD&ĐT, tại nhiều địa phương, sở, phòng GD&ĐT, thậm chí nhà trường cũng có “sổ con”. Nếu vẫn tồn tại những sổ sách được sở, phòng, trường đưa ra trước đây, áp lực GV phải chịu cơ bản không thay đổi. Mặt khác, cơ quan, ban ngành chức năng cần chủ động nắm tình hình và xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ thị ở các địa phương.

Thầy  Lương Ngọc Duy - GV Trường PTDTBT TH &THCS A Mú Sung huyện Bát Xát (Lào Cai) bày tỏ: Có nhiều sổ sách không cần thiết mà vẫn phải làm. Vì vậy, GV chúng tôi gần như không có thời gian rảnh.

Ngoài nghiên cứu bài giảng giáo án, chúng tôi vẫn phải ghi chép đầy đủ hàng loạt sổ sách theo quy định của Bộ và một số sổ sách của phòng, trường (sổ chuyên đề của tổ bộ môn, sổ dạy thay, dạy thêm…). Một số sổ sách không nằm trong quy định của Bộ, một số sổ phải ghi chép bằng tay… khiến GV thấy áp lực hơn về mặt thời gian, thủ tục.

Trước thực trạng trên, nhiều thầy cô cho rằng, GV chỉ cần 2 sổ, 1 là giáo án 2 là sổ điểm. Quan trọng là HS học được kiến thức… Nên để thời gian chép sổ để nghiên cứu bài vở. Hay như ở bậc MN chỉ cần tích hợp 3 sổ: Chấm ăn, đón trả trẻ,  điểm danh gộp vào thành 1 loại sổ. Không cần sổ tích luỹ và bồi dưỡng như hiện nay…

Không chỉ tồn tại nhiều loại sổ cùng lúc, một số trường lại quy định giáo án phải viết tay mới “hợp pháp”; hoặc chỉ nhận những bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên hoặc học tập chính trị, nghiệp vụ viết tay.

Điều này cần xem xét lại cho hợp lý. Thầy  Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Mậu Long, huyện Yên Minh (Hà Giang) nêu thực tế: Một số nhà trường tạo điều kiện cho GV “tích hợp” nhiều sổ nên phần nào giảm tải những sổ sách không cần thiết.

Tuy nhiên khi thực hiện sổ sách điện tử đã xảy ra tình trạng GV sao chép của nhau, chỉ thay đổi không đáng kể dẫn tới dập khuôn máy móc, đối phó. Vì vậy, việc cắt giảm sổ sách nên làm để GV tập trung giảng dạy, tránh hình thức, sổ sách cho đủ song cũng cần có sự giám sát nghiêm túc từ tổ bộ môn, ban giám hiệu nhà trường. 

“Chỉ khi nào giảm áp lực sổ sách cho GV được triển khai hiệu quả, thiết thực trong thực tế, khi đó nhà giáo mới được giải phóng, nghề giáo được thăng hoa…” - thầy Tường nói. 

Nhà giáo cần được tạo điều kiện để tăng cường chuyên môn.
Nhà giáo cần được tạo điều kiện để tăng cường chuyên môn. 

Giải tỏa áp lực cho giáo viên

Đầu năm 2019, Bộ GD&ĐT có Chỉ thị 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Khi chỉ thị này ban hành, nhà giáo khắp cả nước hết sức vui mừng vì “gánh nặng” sổ sách được tháo bỏ. Đây thực sự là tin vui cho nhà giáo, bởi chuyện sổ sách tưởng là chuyện nhỏ, nhưng ai trải qua mới thấm thía nỗi khổ.  

Trong chỉ thị này, Bộ đã quy định rõ: “Giám đốc Sở GD&ĐT, trưởng phòng GD&ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại điều lệ hoặc quy chế nhà trường do Bộ GD&ĐT ban hành”.

Chỉ thị yêu cầu thực hiện đúng điều lệ: “Chỉ có duy nhất sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ”. Về giáo án, chỉ thị yêu cầu không có giáo án mẫu, giáo viên được sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học và tự chọn hình thức thể hiện, viết tay hay đánh máy.

Vì thực tế, ở nhiều trường quy định giáo án mẫu yêu cầu giáo viên phải sử dụng và viết tay, thậm chí phải chép lại hằng năm, mất nhiều thời gian… Thậm chí, có nơi vừa yêu cầu giáo viên dùng giáo án điện tử nhưng vẫn phải có giáo án viết tay, gây áp lực. Do đó, Chỉ thị hướng dẫn: “Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định”. 

Được trút bỏ gánh nặng về hồ sơ sổ sách, khiến nhiều giáo viên cảm thấy nhẹ nhõm và tập trung tốt hơn vào hoạt động chuyên môn - dạy học. “Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường một lần nữa nhấn mạnh vai trò của quy định về hồ sơ, sổ sách trong điều lệ nhà trường, là cơ sở để các giáo viên tháo bỏ những áp lực không đáng có, tập trung vào chuyên môn. Đồng thời, dần hướng tới việc số hóa trong ngành Giáo dục”, thầy Lê Xuân Bột chia sẻ.   

Cô giáo Ôn Thị Lý – Trường TH xã Thanh Vân – Quản Bạ (Hà Giang) phấn khởi nói: GV chúng tôi đang phải đảm đương khá nhiều sổ sách. Vì vậy, chỉ thị không đặt thêm sổ sách cho GV được Bộ GD&ĐT đưa ra khiến bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp rất vui và đồng tình ủng hộ. 

Mặt khác, cô Lý cũng bày tỏ: Việc GV được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng hồ sơ, sổ sách và từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hiện hành theo lộ trình phù hợp điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên... Bởi như vậy, GV có thể chọn hình thức trình bày sổ sách theo năng lực, phù hợp điều kiện thực tiễn bản thân.

Với GV ở vùng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào ghi chép sổ sách ngay chưa hẳn đã đạt hiệu quả cao bởi thực tế vẫn còn một bộ phận GV có tuổi, việc tiếp thu và ứng dụng không dễ dàng, họ cần thêm thời gian để thay đổi tư duy, học hỏi và ứng dụng. Với những GV trẻ, có khả năng học hỏi ứng dụng CNTT nhanh, việc hồ sơ sổ sách điện tử thay cho hình thức “truyền thống” càng giúp GV thích nghi nhanh hơn với CNTT trong thời đại công nghệ 4.0. 

Cô Nguyễn Thị Khánh, nguyên GV Trường THPT Phan Đình Phùng – Hà Nội cũng tán thành với quy định của Bộ GD&ĐT. Bởi theo cô Khánh, để có một tiết dạy tốt GV phải đầu tư nhiều thứ, thời gian soạn giáo án chiếm không ít trong ngày. Như vậy, nếu bớt được công việc giấy tờ, sổ sách… GV sẽ có thêm thời gian để tập trung vào chuyên môn, giảng dạy.

GV chỉ cần giữ những sổ sách theo đúng lịch lên lớp còn sổ sách không cần thiết nên cắt giảm. Mặt khác, hiện tại ở các trường có sổ kế hoạch của GV,   sổ đó đã tích hợp tương đối đầy đủ thì không cần tăng thêm sổ chi tiết. Thêm nhiều sổ sách cũng đồng nghĩa tăng thêm áp lực cho GV…
Cô Nguyễn Thị Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ