Ngày 19/12, ông Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Sở Ngoại vụ về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, song ông dành gần 40 phút để nói về những khó khăn, thách thức thành phố đang đối mặt. Trong đó, tỷ lệ điều tiết ngân sách bất hợp lý là nguyên nhân khiến thành phố không đủ tiềm lực để tái tạo phát triển.
Ông Nhân dẫn chứng, dân số TP HCM chỉ chiếm hơn 9% nhưng đóng góp 24% GDP, 27% ngân sách cả nước - tức là mỗi người dân thành phố đóng góp ngân sách bằng 3 lần người vùng khác. Tuy nhiên, ngân sách thành phố nhận lại (ngoài khoản 18% tổng thu ngân sách thành phố được giữ lại theo tỷ lệ điều tiết) chỉ có 5% - bằng nửa bình quân cả nước, khiến thành phố gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, phát triển hạ tầng.
Bí thư Thành ủy so sánh, theo tiêu chuẩn quốc tế đường giao thông phải đạt 10 km trên một km2, trong khi đến cuối năm 2020 TP HCM mới có thể đạt khoảng 2,1 km.
"Với tốc độ xây đường như hiện nay, thành phố cần 150 năm nữa mới đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố không có tiền làm đường do ngân sách được giao lại quá ít (5%). Đặt trong bối cảnh cứ 5 năm thành phố có thêm một triệu dân, một triệu xe máy thì chỉ có tắc thôi, không khác được", ông Nhân nói và cho rằng giao thông và nhà ở là hai vấn đề cực kỳ nhức nhối, khó khăn của thành phố.
Ngoài ra, trong số một triệu dân tăng thêm trong 5 năm có khoảng 300.000 học sinh. Với tiêu chuẩn mỗi lớp 30 học sinh thì cứ 5 năm thành phố phải xây thêm 10.000 phòng học. Vì không thể xây kịp, nên hiện bình quân mỗi lớp có 40-50 học sinh, có nơi 60 em.
TP HCM có nhiều cái tích cực nhất nhưng cũng có nhiều cái tiêu cực đang gây áp lực rất lớn cho thành phố. Đó là tỷ lệ tội phạm, tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất nước; số vụ án tòa xử một năm chiếm 16-17% số vụ cả nước, bằng 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cộng lại... "Những khó khăn này đang tích lũy, nếu mình không nói, không nhận ra thì sẽ không khắc phục kịp", ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, các thành phố lớn trên thế giới đang giữ lại ngân sách với tỷ lệ khoảng 40%. Riêng Hà Nội cũng đang được giữ lại 35%, trong khi thành phố chỉ được 18% và "không ai giải thích tại sao". Hiện, tổng thu ngân sách của TP HCM bằng 55 tỉnh (tính từ dưới lên) cộng lại. Trong khi đó, tỷ lệ điều tiết ngân sách lại giảm qua các năm, từ 33% vào năm 2003 và đến nay chỉ còn 18%.
"Tình hình này nếu cứ kéo dài thì thành phố khó có thể tiếp tục phát triển. Thành phố đang làm đề án với tinh thần phấn đấu trở lại tỷ lệ điều tiết cũ là 33% - vẫn thấp hơn Hà Nội", ông Nhân nói.