Áp dụng mô hình A-CDM giảm ‘delay’ tại sân bay Nội Bài từ 1/2

GD&TĐ - Với mô hình A-CDM, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ tăng cao, giảm thiểu các tình huống tàu bay dừng chờ lâu trên đường lăn.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ngày 30/1, thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đơn vị sẽ chính thức triển khai áp dụng mô hình A-CDM giai đoạn 1 từ 1/2/2024 sau khi được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận.

Qua 2 lần thử nghiệm thực tế, mô hình A-CDM tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được áp dụng trong nhiều tình huống và điều kiện khai thác khác nhau từ điều kiện khai thác bình thường cho đến các tình huống bất thường.

Điển hình như tình huống tàu bay bị trục trặc kỹ thuật, phục vụ chuyến bay VIP, điều kiện khai thác trong tầm nhìn hạn chế... Do đó, có nhiều chỉ tiêu đã được lượng hóa để tính toán hiệu quả của A-CDM.

Độ tuân thủ thời gian rời vị trí mục tiêu (TOBT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm đạt trung bình 98,7%.

Tỷ lệ này cho biết trạng thái thực tế tàu bay sẵn sàng để rời khỏi vị trí đỗ đạt gần như tuyệt đối, cho thấy mức độ chính xác, kịp thời trong công tác phục vụ cho một chuyến bay của đơn vị phục vụ mặt đất và hãng hàng không dựa trên kế hoạch đã được đưa ra trước đó.

Hệ thống A-CDM Portal đã tự động tính toán TOBT có độ chính xác cao đã giảm áp lực cập nhật thủ công của các đơn vị mặt đất và hãng hàng không.

Độ tuân thủ thời gian cho phép nổ máy mục tiêu (TSAT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 96,2%.

Chỉ số này cho thấy mức độ tuân thủ giờ cho phép nổ máy theo trình tự khởi hành đã được đưa ra bởi cơ quan không lưu cũng như việc xin cấp huấn lệnh của tổ lái trong khung TSAT tiêu chuẩn +/- 5 phút được thực hiện rất nghiêm túc và chính xác.

Chỉ số thời gian lăn của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm thực tế A-CDM được ghi nhận giảm so với cao điểm năm 2023 khi chưa áp dụng hệ thống.

Theo tính toán thời gian tàu bay lăn vào vị trí đỗ của chuyến bay giảm trung bình trên 30 giây và thời gian lăn ra để cất cánh, giảm gần 3 phút.

Điều này đã giúp các hãng hàng không tiết kiệm nhiên liệu tàu bay, giảm thiểu khí CO2 ra môi trường. Kết quả các chỉ số liên quan đến thời gian lăn đã thể hiện rõ lợi ích do A-CDM mang lại, đặc biệt là đối với các hãng hàng không và cơ quan không lưu.

Thực tiễn áp dụng thử nghiệm thực tế mô hình A-CDM tại Sân bay quốc tế Nội Bài đã cho thấy chi tiết các nhóm lợi ích đối với cảng hàng không, với hãng hàng không, với đơn vị phục vụ mặt đất, với cơ quan quản lý bay và với hành khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.