Hồi ức gian khó
Mỗi dịp tháng 5, hình ảnh của những ngày bom đạn chiến tranh lại ùa về trong ký ức của ông Lầu Sái Hừ, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Một mình “lọ mọ” lên đỉnh đèo Pha Đin như là cách để ông Hừ “khỏa lấp” nỗi nhớ về những ngày xưa cũ.
Hướng mắt về thung lũng phía xa, ông Hừ như cố gắng sắp xếp lại những dữ liệu “lộn xộn” trong ký ức còn sót của tuổi 92. Ông bảo: “Tôi già rồi, một số việc chẳng còn nhớ nguyên vẹn, nhưng có những điều thì đến chết cũng không quên”.
Rồi ông kể, đèo Pha Đin ngày ấy gần như không một bóng cây vì sức tàn phá của bom đạn. Thực dân Pháp ngày đêm bắn phá, nhất là ở các đoạn cua nhằm cắt đứt và cản trở ô tô của quân đội ta. Rồi cứ mỗi tối, dân quân, bộ đội ta lại cùng nhau sửa đường cho thông suốt.
“Cuộc sống người dân bởi vậy nên khó khăn trăm bề. Nhà nào cũng nghèo, cũng đói. Nhưng hễ làm ra hạt gạo, chăm được con gà, luống rau là lại dành ra một ít gánh lên cho bộ đội. Khổ cực thế mà chẳng ai rời bỏ quê hương”, ông Hừ tâm sự.
Những ngày Pha Đin bị đánh phá ác liệt nhất, ông Vàng Giống Khứ (bản Lồng, xã Tỏa Tình) vẫn còn thanh niên. Với sức khỏe của tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, ông Khứ cũng nhiều lần trực tiếp tham gia đào đất, sửa đường cho bộ đội.
“Ngày ấy trai tráng trong bản có sức khỏe ai cũng hăng hái tham gia giúp bộ đội. Chẳng cần ai bảo đâu, cứ nhìn nhau mà đi thôi. Một người có khi 2 vai vác 2 tảng đá. Đói, khổ nhưng không hiểu sao lại khỏe thế!”, ông Khứ nhớ lại.
Giờ đây, khi đã bước sang những năm cuối của tuổi 80, ông Khứ vẫn ngày ngày lên nương để giữ cho mình sức khỏe ổn định. Ông sống quây quần bên con cháu và “bám trụ” nơi đỉnh đèo. Hễ có dịp, nhất là những ngày tháng 5 lịch sử, ông lại đưa bọn nhỏ lên tấm bia di tích nằm giữa ranh giới 2 ngã rẽ như là cách để nhắn nhủ thế hệ sau khắc ghi lịch sử.
“Tấm bia khắc dòng chữ: Đây là nơi hứng chịu nhiều nhất những trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi cho bọn trẻ học thuộc lòng, để chúng nhắc lại cho bạn bè, thậm chí con cháu về sau”, ông Khứ bộc bạch.
Sắc màu no ấm
68 năm đi qua, con đèo huyền thoại được mệnh danh là “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam đã xóa đi những tàn tích cũ của chiến tranh, cũng không còn hiểm trở như trước. Đặc biệt là vài năm trở lại đây, con đèo như được “khoác” lên mình “tấm áo” mới.
Tuyến đường Quốc lộ 6 cũ đi qua xã Tỏa Tình dẫu vẫn còn một số khúc cua gấp, song đều trải thảm nhựa, phục vụ người dân giao thương, phát triển kinh tế được thuận lợi. Con đường mới được hạ cos xuống thấp hơn, mở rộng, bảo đảm cho các loại xe siêu trường, siêu trọng có thể đi lại an toàn.
Theo ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, chia sẻ: Nhờ phát huy được những lợi thế của tuyến giao thông trọng điểm này mà diện mạo nông thôn mới, đời sống kinh tế của địa phương đã có nhiều đổi thay, khởi sắc hơn.
“Giao thông thuận lợi, nông sản từ hàng trăm héc ta cà phê, sơn tra (táo mèo), dưa của người dân đã không còn phải lo về đầu ra. Hiện nay, các phương tiện vận chuyển lớn có thể tập kết để thu gom hàng của người dân, vận chuyển đi các tỉnh miền xuôi tiêu thụ”, ông Dùa cho hay.
Cũng theo ông Dùa, những năm qua người dân Tỏa Tình rất tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị để xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, bà con đồng tình phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ các di tích lịch sử. Vài năm trở lại đây, số hộ nghèo trong xã duy trì giảm bình quân từ 1 – 2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt khoảng 10 triệu đồng/năm.
Còn theo ông Khứ, có nhiều thay đổi về chất lượng cuộc sống chưa được thống kê cụ thể, song từng người dân đều cảm nhận rõ. Đó là các điều kiện hạ tầng phục vụ đời sống, như: Điện, đường, trường, trạm, hệ thống thông tin, dịch vụ… đã vươn tới các bản. Dưới những mái nhà kiên cố lợp ngói đỏ, pro xi măng là thóc, gạo tích trữ và nhiều tiện ích, như: Xe máy, tivi, điện thoại…
“Mừng nhất là bọn trẻ không chỉ đủ ăn, đủ mặc, mà còn được đến trường đúng độ tuổi. Trong bản bây giờ còn có cử nhân đại học, cao đẳng các ngành, nghề - điều mà chỉ vài năm trước thôi không ai nghĩ tới”, ông Dùa nói.
Với khí hậu thời tiết ôn hòa và việc dễ dàng trong tiếp cận thông tin, nên hiện nay nhiều người dân sống bám đèo đã khai thác, phát triển các mô hình du lịch “hút khách”. Cấp ủy chính quyền địa phương cũng khuyến khích bằng việc tạo điều kiện để bà con đầu tư, phát triển.
Là người dân gốc Điện Biên về Hà Nội sinh sống đã nhiều năm, song mỗi lần trở lại quê hương, đi qua con đèo Pha Đin, chị Nguyễn Hương Giang không khỏi ngỡ ngàng. Chị Giang cho hay, mặc dù có đường hàng không rất thuận tiện, song chị vẫn thường lựa chọn đi đường bộ, để được ngắm khung cảnh Pha Đin hùng vĩ.
“Mấy năm gần đây, con đường này dường như ngắn hơn bởi sức hấp dẫn từ các điểm du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm. Riêng trên đỉnh đèo Pha Đin tôi đếm sơ qua cũng phải đến 3, 4 điểm như thế. Do được chính người dân bản địa tạo dựng, nên những điểm này mang màu sắc rất riêng và tạo được sức hút cho du khách từ xa tới”, chị Giang bộc bạch.