ANZ: Tỷ giá USD năm 2017 có thể tăng tới 2%

Với tác động của nền kinh tế Hoa Kỳ, đồng USD mạnh lên cùng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, chuyên gia của Ngân hàng ANZ dự báo, đồng Việt Nam có thể mất giá tới 2%.

USD sẽ còn có những biến động mạnh trong thời gian tới. Ảnh: H.Dịu
USD sẽ còn có những biến động mạnh trong thời gian tới. Ảnh: H.Dịu

Tại buổi họp báo "Điều gì sẽ đến trong năm 2017?" của Ngân hàng ANZ ngày 24/6 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế quốc tế đã đưa một vài nhận định và dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Theo bà Eugenia Victorino - Chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN, đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ cao hơn so với 2016, khoảng 6,4%, do kỳ vọng nông nghiệp sẽ phục hồi, có kết quả tốt hơn.

Hơn nữa, trong những năm qua, Việt Nam đã đa dạng thị trường và mặt hàng XK nên tránh được những cú sốc bên ngoài, không bị tổn thương dù thị trường các nước có biến động.

Nói về tác động khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại, các chuyên gia của ANZ vẫn tỏ ra hết sức lạc quan.

Bởi TPP có tác động thực sự phải sau 10 năm nữa, nên việc mất đi TPP chỉ là việc Việt Nam mất đi một cơ hội để tăng trưởng, có thể tiếp tục kỳ vọng vào Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Rủi ro của TPP là khi bị Mỹ tuyên bố rút lui là luồng vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam vào sản xuất nhằm mục đích XK sang Mỹ giảm xuống, nhưng Việt Nam XK sang Mỹ chỉ chiếm 22% tổng kim ngạch, nên việc Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường XK thì sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng” - Ông Khoon Goh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á (ANZ) đánh giá.

Đặc biệt, về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo dự báo của Ngân hàng ANZ, tỷ giá USD trong năm 2017 đến cuối năm có thể lên mức trên 23.200 VND/USD và tăng lên tới 24.000 VND/USD vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2017, tỷ giá có thể tăng lên tới 2%.

Nói về cơ sở của dự báo này, ông Khoon Goh cho rằng, dự báo này hoàn toàn không liên quan đến những tiêu cực hay rủi ro khi đồng Việt Nam bị mất giá mạnh.

Bởi với những chính sách kinh tế mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi và khiến đồng USD mạnh lên, khiến tất cả các đồng tiền khác đều mất giá.

“Mức mất giá 2% không phải là quá nhiều do các đồng tiền khác cũng đều mất giá. Hơn nữa, mức 2% của đồng Việt Nam còn ít hơn so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực” - Ông Khoon Goh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc kinh tế Mỹ phục hồi với việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ gây ảnh hưởng tới luồng vốn của các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc FED còn nhiều khả năng tăng lãi suất cũng sẽ khiến luồng vốn đầu tư gián tiếp như tỷ giá, trái phiếu giảm. Nhưng theo ông Khoon Goh, luồng vốn trực tiếp vào sản xuất sẽ không ảnh hưởng.

“Mặc dù luống vốn đầu tư gián tiếp thế giới giảm đi, nhưng thành tích của Việt Nam năm 2016 tốt hơn các nước khác, do việc cổ phần hóa các DN nhà nước, bán cổ phần ra công chúng được đẩy mạnh nên mở ra cơ hội mới cho thị trường chứng khoán, thu hút các nhà đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Với việc đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa trong thời gian tới thì luồng vốn gián tiếp vào Việt Nam sẽ không bị xấu đi” - Bà Eugenia Victorino phân tích thêm.

Bên cạnh đó, dự báo của ANZ cũng dự báo lãi suất tại Việt Nam sẽ giữ sự ổn định trong thời gian dài từ nay đến đầu năm 2019.

Nguyên nhân của sự ổn định này, theo bà Eugenia Victorino, xu hướng tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu tồn tại lâu năm mà chưa có phương án giải quyết sớm nên ngân hàng trung ương vẫn phải áp dụng chính sách thúc đẩy tăng trưởng nên phải giữ ổn định lãi suất để mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Hải Quan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ