Anh trưởng thôn “mê chữ”

GD&TĐ - Do khó khăn, A Thái không thể học Cao đẳng Tài chính ngân hàng dù thi đỗ. năm 28 tuổi, khi đã là trưởng thôn, A Thái tiếp tục giấc mơ học hành và thi đỗ Khoa Luật, Phân hiệu Đại học Đà nẵng tại KonTum.

Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, mỗi năm gia đình A Thái thu nhập được khoảng 300 triệu đồng.
Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, mỗi năm gia đình A Thái thu nhập được khoảng 300 triệu đồng.

Đổi thay làng quê

A Thái (28 tuổi) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã biên giới Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). A Thái kể, trước đây, cả cộng đồng hơn 600 người Rơ Măm chỉ lác đác người biết con chữ. Những đứa trẻ trong làng chỉ học nửa chừng rồi bỏ ngang để theo bố mẹ lên nương rẫy. Do đó, cuộc sống người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng chẳng thể khá giả hơn.

Khác với chúng bạn, từ nhỏ A Thái đã thích học. Cậu luôn chăm chỉ đến trường. Thấy con ham học nên bố mẹ A Thái cũng dành dụm, tạo điều kiện để con học hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, A Thái thi đậu vào Trường Cao đẳng Tài chính Ngân hàng. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ A Thái không thể cho con tiếp tục giấc mơ đến trường.

A Thái tạm gác việc học của mình rồi tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Năm 2013, A Thái vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, A Thái được người dân làng Le tin tưởng, tín nhiệm bầu làm trưởng thôn khi vừa tròn 24 tuổi.

Thấy cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, A Thái bắt đầu hướng dẫn dân làng làm kinh tế. Để mọi người tin tưởng và nghe theo, A Thái cải tạo, trồng cao su trên khu đất bỏ hoang của gia đình. Thế nhưng, sau một trận hỏa hoạn vườn cao cu của A Thái bị thiêu rụi hoàn toàn.

Không từ bỏ, A Thái nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè rồi chuyển sang canh tác cây mì. Mong muốn cây trồng đạt năng suất cao, A Thái học hỏi, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Vụ mì trúng lớn, A Thái lại mua thêm đất để trồng mì.

Nhận thấy khí hậu nơi đây phù hợp với cây điều nên chàng trai trẻ vay mượn thêm để trồng gần 4ha điều phát triển kinh tế. Khi kinh tế gia đình A Thái phát triển, dân làng lần lượt kéo đến để học hỏi kinh nghiệm. Không giấu riêng cho bản thân, A Thái chia sẻ những kinh nghiệm mình học hỏi, trau dồi được với hy vọng cuộc sống của bà con dần đổi thay.

A Thái (ngoài cùng bên phải) mong muốn dân làng bước qua các hủ tục và có đời sống ấm no.
A Thái (ngoài cùng bên phải) mong muốn dân làng bước qua các hủ tục và có đời sống ấm no.

Bước qua hủ tục

Những ngày đầu đảm nhận cương vị trưởng thôn, A Thái luôn trăn trở khi người dân vẫn còn nặng về các hủ tục. Điều này vô tình khiến cuộc sống dân làng trở nên khó khăn, đói nghèo dai dẳng.

A Thái kể: Nhiều năm về trước người Rơ Măm từng nuôi bò để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chẳng được bao lâu đàn bò lần lượt đổ bệnh rồi chết hết. Từ đó, nếu trong làng ai nuôi bò sẽ bị Yàng (trời) phạt vạ nên nhiều năm trôi qua người Rơ Măm không ai giám nuôi nữa. Có những lần, Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ bò để giúp dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thay vào đó, người dân chỉ lắc đầu từ chối vì sợ mắc tội với Yàng.

Thế rồi, A Thái cùng chính quyền địa phương đến từng nóc nhà vận động người dân nhận bò về nuôi. Bên cạnh đó, phân tích những cái lợi khi nuôi bò để giúp đời sống dân làng đổi thay. Thế rồi, lác đác một vài hộ gia đình đã đồng ý đưa bò về nuôi. Khi dân làng thấy bò không bị chết, lại giúp phát triển kinh tế thì nhiều gia đình đã mua thêm bò về nuôi.

Không chỉ khó khăn khi tuyên truyền để người dân nuôi bò, trong lễ bỏ mả, có những gia đình giết 3 - 4 con trâu, nhà nào khó khăn hơn thì giết 1 con. Bên cạnh đó, người dân còn tổ chức ăn uống 3 ngày 3 đêm để đãi cả làng. Thấy cuộc sống người dân khó khăn lại nợ nần chồng chất trong mỗi lần bỏ mả nên A Thái quyết tâm tuyên truyền, vận động người dân hạn chế chi phí trong các dịp lễ.

Thời gian đầu dân làng phản đối gay gắt và có ý định đuổi A Thái ra khỏi làng. Không muốn cuộc sống người dân chỉ quanh quẩn với đói nghèo, A Thái tìm đến hội đồng làng để phân tích cái lợi, cái hại. Bị thuyết phục bởi lời nói của trưởng thôn, dân làng quyết định sẽ thực hiện các nghi lễ đơn giản, tiết kiệm và gói gọn trong 1 ngày 1 đêm.

Khi kinh tế ổn định, người dân dần bước qua hủ tục, A Thái nghĩ đến việc hoàn thành giấc mơ con chữ đang dang dở của mình. Ban ngày làm kinh tế, tối đến A Thái lại ngồi vào bàn để ôn tập kiến thức. Năm 2016, A Thái thi đậu Khoa Luật, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Nhà A Thái cách trường gần 100km nên chặng đường đi học khá vất vả. Tuy nhiên, A Thái muốn học để có kiến thức. Có vậy mới giúp gia đình, dân làng thay đổi nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc học.

“Người dân làng mình còn nghèo, khó khăn lắm. Do đó, mình muốn học lên cao để có nhiều kiến thức. Bên cạnh đó, mình cũng có cơ hội học hỏi nhiều hơn để có thể giúp dân làng vươn lên thoát nghèo. Khi cuộc sống dân làng ổn định, khi đó mình sẽ tìm công việc phù hợp với ngành nghề đã theo học”, A Thái chia sẻ.

Chúng tôi chia tay làng Le ra về khi chiều ngả bóng. Nhưng bên tai vẫn còn vẳng nghe câu chuyện của người dân, họ truyền tai nhau rằng A Thái giống như cánh chim đầu đàn dẫn dắt dân làng bước qua hủ tục.

Với những đóng góp của mình, năm 2020, A Thái được vinh dự tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Bên cạnh đó, A Thái được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, A Thái đã trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ