Không hẹn mà gặp, có đến 3 phim truyền hình do Anh Thư đóng vai chính sẽ lên sóng vào tháng 12 này. Không có một “mẫu số” chung nào, 3 vai diễn là 3 màu sắc khác nhau: một nhà thiết kế thời trang trong “Mùa yêu”, một cô gái làm công tác xã hội trong “Hạnh phúc bất tận” và một giang hồ trong “Dừng bước giang hồ”. Phim ảnh đã cuốn Anh Thư đi hăm hở suốt 1 năm qua, bỏ mặc những lời mời mọc hấp dẫn trên sàn catwalk…
Cuộc đời như câu chuyện cổ tích
15 năm trước, Anh Thư đã là một người mẫu nhưng chưa được chú ý nhiều. Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, ấn tượng ban đầu của anh là Anh Thư quá… xấu. Gương mặt hơi vuông, vai lại gù, chẳng có chút tự tin nào trước máy ảnh. Kể cả khi Anh Thư đi thi Hoa hậu Việt Nam năm 2000 cũng bị đánh rớt vì trông… quê một cục, mặt vẫn thô, đi đứng vẫn chưa đẹp và trang phục không mấy lạ. Còn NSND Trà Giang lúc đó ngồi ở hàng ghế giám khảo hoa hậu lại thích Anh Thư ở nét đẹp thanh mảnh, hiền lành.
Ấy thế mà khi làm phim “Những cô gái chân dài”, Vũ Ngọc Đãng đã thẳng thừng từ chối Thanh Hằng để chọn Anh Thư. Vũ Ngọc Đãng nói rằng anh tin vào linh cảm của mình rằng Thanh Hằng đóng tốt nhưng Anh Thư sẽ đóng tốt hơn nhân vật Thủy. Bởi một cô gái lớn lên trong nghèo khó, vất vả thì Anh Thư vừa vặn hơn. Trong nghề này, càng trải đời khó nhọc bao nhiêu thì vai diễn càng hay, càng thật bấy nhiêu. Nhưng cái khó nhất với Anh Thư chính là việc cởi bỏ lớp son phấn lòe loẹt, đôi giày cao gót, quần áo rực rỡ bó sát để mặt mộc, mang dép nhựa, mặc quần áo rộng thùng thình.
Rồi Anh Thư đoạt luôn Giải Mai Vàng Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích năm đó. Vũ Ngọc Đãng thấy mình may mắn, còn Anh Thư nói mình may mắn hơn. Và khi Anh Thư xuất hiện trong “Tuyết nhiệt đới” thì đúng là một “quả bom nổ”. Chị được khen có cả ngoại hình, nội tâm, sự nhạy cảm, thông minh và chịu khó vì vai diễn hiếm thấy. “Sáu tháng quay phim này, tôi tróc da trán, đen như cột nhà cháy, sụt 5 kg” - Anh Thư kể. Thành ra, sự ghi nhận của khán giả cho vai diễn này của chị là xứng đáng.
Dù vậy, Anh Thư vẫn bị gắn mác “chân dài đi đóng phim” và chịu không ít ánh mắt coi thường của người trong giới. Ai nói gì, chị vẫn tỉnh bơ: “Tôi cho đó là một lời khen và rất tự hào. Tài năng có thể trau dồi, sắc đẹp có thể cải thiện nhưng để có được chân dài thì rất khó”. Không giống những “chân dài” đóng phim thường trễ giờ, chảnh chọe, học thoại như con vẹt, diễn đơ như tượng, Anh Thư ngày càng khiến nhiều người nể phục về thái độ làm việc và năng lực của mình. Diễn viên Quý Bình nói rằng khi diễn chung, Anh Thư rất chịu khó học hỏi, quan sát. Chính sự cầu tiến đó giúp chị trụ lại được với nghề.
Anh Thư là người không quá đặt nặng việc xây dựng cho mình một “gu” vai diễn cố định. Chị thích khám phá nhiều vai diễn, càng khác với hoàn cảnh sống, tính cách của mình càng tốt. Như những vai phụ nữ cùng khổ, lam lũ, bươn chải với cuộc đời để mưu sinh chẳng hạn. “Những vai giàu có, sang trọng tất nhiên sẽ rất dễ với tôi và ngược lại. Nhưng vai nào khó tôi lại diễn hay, vai nào dễ tôi lại đóng dở ẹc. Tính tôi rất kỳ lạ, càng áp lực càng làm tốt, càng thoải mái càng làm tệ” - chị bộc bạch.
Hào quang có được từ “chân dài”
Anh Thư sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, co cụm trong xóm lao động nghèo ở Sài Gòn. Là con út trong gia đình nhưng chị lại “trổ giò” sớm và có chiều cao nổi trội nhất. “Tôi không bao giờ quên những giọt nước mắt của mình trong những năm tháng bị đám bạn trong xóm hay ở trường trêu chọc vì chiều cao khác biệt. Mỗi lần đi là phải cố gù lưng, cúi thấp người xuống bớt” - Anh Thư nhớ lại. Chị biết mình “khác biệt” nhưng lại không biết sự “khác biệt” đó làm nên nét riêng cho mình. Anh Thư cười lấp lánh khi nhắc về “tuổi thơ” nhưng lại không kìm được nước mắt hạnh phúc khi nhớ về ngày có được hào quang đầu tiên với nghề nhờ đôi chân dài ấy. Anh Thư cho biết chị đến với nghề người mẫu là do cơ duyên, không phải quyết liệt đi tìm, không phải tranh giành mới có được.
Khi vụt sáng sau phim “Những cô gái chân dài”, chị ngỡ ngàng với chính mình. “Bỗng dưng nổi tiếng, tôi mất ngủ mấy đêm liền vì sung sướng” - Anh Thư chia sẻ. Chị đến với nghệ thuật trong trạng thái ngơ ngác như cô bé lạc trong rừng, rụt rè bước vào nghề, hồn nhiên làm việc và thật kỳ diệu là ở mãi cho đến tận bây giờ. Anh Thư bảo Vũ Ngọc Đãng đã mang đến cho chị một giấc mơ cổ tích đúng nghĩa.
Tinh tế, sâu sắc và bí ẩn
Anh Thư tự nhận: “Trước đây, tâm hồn tôi khá non nớt, trong trẻo như đứa trẻ. Những năm sau này tôi mới bắt đầu… lớn, trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ. Dẫu vậy, sự mãnh liệt của tôi cũng còn rất ngây thơ”. Cũng bởi do được bảo bọc từ nhỏ và cuộc sống ít va chạm nên từ mấy năm trước, Anh Thư còn rất trẻ con. Chị không biết cô đơn, bất hạnh là gì và từng nghĩ: “Mình mà cô đơn, đau khổ thì có nước… chết”. Thế nhưng, khi thật sự nếm trải cô đơn, đau khổ, Anh Thư lại trở nên mạnh mẽ và gan lì đến ngạc nhiên. Bây giờ không dễ gì hiểu được Anh Thư. Chị tinh tế, sâu sắc và bí ẩn.
Chị tâm sự: “Cuộc đời ai cũng gặp những xáo trộn khi đi đúng hay không đúng hướng. Tôi cũng đã cô đơn, bế tắc, đau khổ tận cùng. Nhưng ông trời không triệt đường sống của ai bao giờ, vì thế tôi không chết. Mò mẫm đứng lên trong đau khổ, con người ta mới biết đồng cảm, chia sẻ với người khác thay vì vô cảm, thờ ơ”. Anh Thư khiến người khác nể phục vì thái độ sống tích cực. Nói chính xác hơn là chị luôn “thèm khát” sống trong cuộc đời này. Từng uể oải lướt qua bao vấp váp trong cuộc sống hôn nhân nhưng Anh Thư quan niệm: “Đừng để cuộc sống thay đổi bản thân mình, đừng để cuộc đời tha hóa bản chất mình, đừng để số phận vùi dập mình”.
Chỉ muốn những giọt nước mắt hạnh phúc
Gia đình Anh Thư nghèo nhưng bao năm nay vẫn sống trong yên bình, êm ấm, hầu như chưa có một biến cố nào xảy đến. Có thể vì thế mà mọi người trong gia đình chị rất yếu đuối, sợ hãi trước cuộc đời. Dù Anh Thư đã lớn nhưng ba mẹ chị hằng ngày vẫn lo lắng chuyện đi đứng, ăn ngủ, công việc… của con, nhất là sợ con gái vấp ngã giữa đời. “Má tôi từng nói: Nếu tôi có chuyện gì thì bà không sống nổi. Tôi sợ nhất là làm má tôi buồn, khóc. Nếu có, tôi muốn chỉ là những giọt nước mắt hạnh phúc mà thôi” - Anh Thư bộc bạch.