Anh: Tăng tốc trang bị kiến thức cho học sinh

GD&TĐ - Các trường học tại xứ Wales, Anh, sẽ tổ chức khóa học tăng cường kéo dài 1 giờ mỗi ngày sau giờ học chính khóa nhằm giúp học sinh trang bị lại kiến thức sau thời gian dài học trực tuyến.

Học sinh xứ Wales đi học trở lại.
Học sinh xứ Wales đi học trở lại.

Ngày 6/12, ông Amanda Spielman, người đứng đầu Cơ quan Thanh tra các cơ sở giáo dục phổ thông Anh (Ofsted), cho biết hầu như tất cả trẻ em đều chịu tác động tiêu cực của việc đóng cửa trường học và phải vật lộn với mô hình giáo dục trực tuyến. Dù đã trở lại trường, các em vẫn đang tìm cách thích nghi với mô hình học truyền thống.

Đứng trước trở ngại này, Chính phủ xứ Wales thông báo đầu tư 2 triệu bảng Anh cho 14 trường phổ thông trên địa bàn tổ chức dạy học tăng cường cho học sinh 5 giờ mỗi tuần. Chương trình thử nghiệm được thiết kế để giải quyết các vấn đề phổ biến như trẻ em bị tụt hậu và đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường học bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ được tập trung hỗ trợ.

Sau khi nhận được nguồn ngân sách phân bổ, hiệu trưởng các nhà trường sẽ quyết định kế hoạch giáo dục và nội dung ôn tập. Các trường được phép chọn nội dung học, tùy thuộc vào tiến trình học và những kiến thức bị hao hụt của học sinh trong thời gian đóng cửa. Nghệ thuật, âm nhạc, thể thao hoặc các môn học văn hóa đều được hoan nghênh.

Chương trình thử nghiệm sẽ tiến hành từ năm 2022, kéo dài 10 tuần.

Nếu các trường thí điểm có thể kịp thời trang bị những kiến thức còn thiếu hụt cho học sinh, Chính phủ xứ Wales sẽ chính thức triển khai mô hình này trên toàn khu vực. Các nhà lãnh đạo trường học, phụ huynh và học sinh cũng có thể cân nhắc thay đổi hình thức của năm học, chẳng hạn rút ngắn kỳ nghỉ hè.

Ông Jeremy Miles, người đứng đầu Cơ quan Giáo dục xứ Wales, cho biết: “Chúng tôi đang tài trợ cho các trường học thử nghiệm để cung cấp các hoạt động học tăng cường thú vị, giúp phát triển kỹ năng cá nhân và khả năng phục hồi sau đại dịch. Chúng tôi hi vọng những điều này có thể nâng cao kết quả học tập và sức khỏe tâm thần của trẻ”.

Theo ông Miles, quá trình trang bị lại kiến thức cho học sinh không phải nhiệm vụ đơn lẻ của từng giáo viên, trường học. Thay vào đó, cơ quan giáo dục sẽ cùng đồng hành với các nhà trường bằng cách theo dõi, điều chỉnh và hướng dẫn phương hướng thực hiện.

Tại Trường Tiểu học Cadoxton, thị trấn Barry, giáo viên, nhân viên và học sinh đều bày tỏ hào hứng trước kế hoạch mới. Bà Rhian Milton, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết dự kiến tổ chức học tăng cường cho học sinh lớp 4 - 6 sau giờ học chính khóa các ngày 2 - 5 và cả ngày thứ 6. Nội dung bài học bao gồm nấu ăn, làm việc, kỹ năng đọc viết, kỹ năng tính toán và số học.

Em Seren, 10 tuổi, học sinh nhà trường, cho biết: “Cháu thật sự rất vui khi biết ngày học sẽ dài hơn. Việc học trực tuyến với cháu khá khó khăn vì cháu không biết phải làm gì. Cháu chỉ nằm trên giường và tự hỏi sao không được đến trường”.

Tuy nhiên, một số giáo viên đã bày tỏ ý kiến trái chiều trước thử nghiệm này. Ông Neil Butler, chuyên gia giáo dục, đánh giá việc tăng thời gian học sẽ tăng thêm công việc, vốn đã nặng nề, cho giáo viên.

Còn ông Dilwyn Roberts-Young, làm việc tại Công đoàn Giáo dục xứ Wales, cho biết: “Hệ thống giáo dục không nên chạy theo số lượng mà cần phù hợp với nhu cầu hiện tại của người học và gia đình. Với tư cách là công đoàn, chúng tôi muốn đảm bảo quyền lợi, lượng công việc phù hợp cho giáo viên”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.