Ánh sáng từ COP26

GD&TĐ - Ngày 13/11, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) bế mạc tại Glasgow (Anh) đã đi đến thoả thuận khí hậu mới mang tên “Thoả thuận Glasgow”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hội nghị COP26 đã mở ra những hứa hẹn mới của các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Điểm nhấn đặc biệt tại hội nghị là cam kết của 197 quốc gia trên thế giới về hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ trước. Mục tiêu này vốn được đề ra trong Thoả thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu nhưng nay đã được đưa vào Hội nghị COP26.

Tuyên bố cũng kêu gọi loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hoá thạch không hiệu quả. Nhưng vấn đề trên đã vấp phải sự phản đối vào phút chót của Ấn Độ và một số nước đang phát triển phụ thuộc vào than. Các nước không đồng tình với hối thúc “xoá bỏ” sử dụng than nên cuối cùng, Hội nghị COP26 đi đến cam kết “giảm dần” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo đó, thoả thuận đã vạch ra các bước cụ thể trong việc chống biến đổi khí hậu như cắt giảm 1/2 lượng khí thải carbon vào năm 2030, giảm khí thải methane và lập ra bộ quy định mới yêu cầu các nước có trách nhiệm hơn.

Ngoài ra, hội nghị đã đi đến một số cam kết đáng chú ý. Đầu tiên, hơn 130 quốc gia, sở hữu khoảng 90% rừng trên thế giới, cam kết ngăn chặn, đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Trong đó, tỷ phú Jeff Bezos, cha đẻ của Amazon, đã cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD để phục hồi môi trường sống tự nhiên và chuyển đổi hệ thống lương thực.

Về vấn đề khí mêtan, hơn 100 quốc gia đã ký cam kết phát thải khí mêtan toàn cầu do Mỹ và Liên minh châu Âu phối hợp điều hành; đồng thời, cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030.

So với Thoả thuận Paris 2015, Thoả thuận Glasgow đã mang đến kết quả về thị trường mua bán định mức carbon, có thể giải ngân hàng nghìn tỷ USD cho các dự án giúp hạn chế biến đổi khí hậu. Cụ thể, các quốc gia được phép mua định mức phát thải dư thừa khí carbon từ các nước khác để đáp ứng một phần mục tiêu khí hậu.

Trong lĩnh vực tài chính, một số quốc gia cam kết tăng tài trợ để giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thế, Nhật Bản tăng 2 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tới góp phần vào Thoả thuận Glasgow, Italy dự kiến tăng 1,4 tỷ USD mỗi năm.

Sau gần 20 ngày làm việc, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bày tỏ hoan nghênh những thoả thuận tại Hội nghị COP26. Tuy nhiên, ông cùng nhiều chuyên gia khác cảnh báo thế giới vẫn đang “gõ cửa” thảm hoạ khí hậu. Những khó khăn vẫn còn đặt ra ở phía trước.

Dù đã bế mạc, Hội nghị COP26 kêu gọi các nước trở lại vào năm sau để giải quyết vấn đề chưa đi đến hồi kết là chia sẻ gánh nặng cắt giảm khí thải giữa các nước. Đồng thời, các quốc gia cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn đến năm 2030 do những thoả thuận chưa đi kèm với hành động thực tế.

“Hành tinh nhỏ bé của chúng ta đang ở thế nghìn cân treo sợi tóc. Kết quả Hội nghị COP26 đã phản ánh những lợi ích, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới ngày nay. Những thoả thuận đạt được là quan trọng nhưng chưa đủ”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio, bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ