Ảnh hưởng từ “vắc-xin” Ấn Độ

GD&TĐ - Trước sự bùng phát nhanh chóng của Covid-19, Ấn Độ phải đối mặt với thách thức kép là ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai và triển khai tiêm chủng vắc-xin.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi chính phủ hành động chậm chạp, người dân quốc gia này cũng dần thờ ơ với việc tiêm chủng.

Ngày 22/3, Ấn Độ ghi nhận gần 47.000 ca nhiễm Covid-19. Trong hai tuần gần đây, số ca tử vong tăng 82%. Đợt bùng phát đầu tập trung vào bang Maharashtra, nơi được ví như “xương sống” của nền kinh tế Ấn Độ. Bang đã áp đặt lệnh hạn chế mới tại nhiều khu vực, phong tỏa thành phố Nagpur một tuần.

Trước tình hình trên, Chính phủ Ấn Độ đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được mô tả là “chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới”. Tuy nhiên, từ ngày đầu triển khai (16/1), ứng dụng Co-Win, do chính phủ phát triển để thông báo tới những người được ưu tiên tiêm chủng, gặp trục trặc.

Nhiều người không nhận được thông báo nên không đi tiêm chủng, buộc chính quyền địa phương phải kêu gọi bằng giấy. Kết quả chỉ hơn 191.000 người được tiêm dù mục tiêu đề ra là khoảng 300.000.

Không ít người dân bày tỏ nghi ngại trước hiệu quả và chất lượng của vắc-xin khi chính phủ phê duyệt sản xuất Covaxin trước khi hoàn tất thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của vắc-xin này. Bên cạnh đó, nhiều người thờ ơ trước chiến dịch tiêm chủng bởi mải mê phục hồi tài chính sau đòn giáng của Covid-19 lên nền kinh tế.

Kết quả cho thấy quy mô của chiến dịch rất hạn chế. Ít hơn 3% dân số Ấn Độ đã tiêm chủng một mũi vắc-xin phòng Covid-19, trong đó khoảng 1/2 là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Kết quả này khá khiêm tốn so với mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người vào tháng 8/2021. Với tốc độ như hiện tại, Ấn Độ sẽ mất gần một thập kỷ để tiêm chủng cho 70% người dân, nhằm hướng tới miễn dịch cộng đồng. 

Chiến dịch tiêm chủng còn vấp phải thách thức không nhỏ là vận động 800.000 cư dân Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất châu Á tại bang Maharashtra, tham gia. Cư dân nơi đây di chuyển khắp bang Maharashtra, có thể lây truyền dịch bệnh nếu không được tiêm chủng. Nếu kiểm soát được Dharavi, chính phủ có thể làm chủ tình hình tại bang Maharashtra.

Những thách thức trên yêu cầu chính phủ phải nỗ lực mở rộng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin như cung cấp vắc-xin cho nhiều nhóm đối tượng như người lớn tuổi, nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch, những người đủ điều kiện tiêm chủng.

Nhìn chung, trong những ngày vừa qua, chính phủ quốc gia này đã có những bước tiến trong việc tiêm chủng. Ban đầu, vắc-xin chỉ được lưu hành tại bệnh viện công nhưng hiện nay, các phòng khám tư nhân, trung tâm tiêm chủng tạm thời được phép tiêm vắc-xin.

Chính phủ đang cân nhắc mở rộng đến các hiệu thuốc. Người dân đủ điều kiện có thể đăng ký trực tiếp với chính quyền địa phương và tiêm ngay trong ngày, không cần thông qua hệ thống đặt lịch trực tuyến.

Tuy nhiên, nếu Ấn Độ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia, nó có thể tác động ngược với chiến dịch tiêm chủng tại một số quốc gia khác. Trong khi Mỹ hoặc một số quốc gia giàu có đang tích trữ vắc-xin, Ấn Độ cho phép giao dịch mặt hàng này trên thị trường tự do. Ấn Độ với tư cách là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới đã xuất khẩu mặt hàng này tới nhiều quốc gia.

Tuần qua, Thủ tướng Anh BorisJohnson cho biết nguồn cung vắc-xin Covid-19 của nước này giảm do Ấn Độ chậm trễ giao 5 triệu liều vắc-xin Oxford-AstraZeneca. Viện Serum, nhà sản xuất vắc-xin tại Ấn Độ, cho biết việc xuất khẩu phụ thuộc vào nhu cầu trong nước.

Là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vắc-xin nhưng Ấn Độ có thể sẽ tiết giảm sản phẩm xuất khẩu để phục vụ chiến dịch tiêm chủng quốc gia.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ