Một thực tế không thể chối cãi là uống nước có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Ngoài việc góp phần vào quá trình trao đổi chất, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm cho da. Theo nghiên cứu mới của Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ, uống nước cũng có mối liên hệ với việc giúp kéo dài cuộc sống không bệnh tật cho con người.
Theo thông cáo báo chí, các nhà nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa một số dấu hiệu sức khỏe và nồng độ muối trong máu (natri huyết thanh), vốn thay đổi khi lượng chất lỏng nạp vào giảm. Nghiên cứu bao gồm thông tin sức khỏe thu được từ 11.255 người tham gia trong khoảng thời gian 30 năm.
Họ phát hiện ra rằng, so với những người trưởng thành có nồng độ natri huyết thanh ở giữa mức bình thường, những người có nồng độ ở mức cao hơn có nhiều khả năng mắc các bệnh mãn tính và biểu hiện các triệu chứng lão hóa sinh học cao hơn. Ngoài ra, người lớn có nồng độ natri huyết thanh ở mức cao hơn có nguy cơ tử vong sớm hơn.
Tiến sĩ Natalia Dmitrieva là tác giả nghiên cứu trên, bà đồng thời là nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Y học Tái tạo Tim mạch tại Cơ quan Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI), thuộc NIH. Theo bà, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng cung cấp lượng nước phù hợp cho cơ thể có thể làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài cuộc sống không bệnh tật.
Nghiên cứu dựa trên công trình trước đó đã được xuất bản vào tháng 3/2022. Nó đã phát hiện ra mối liên quan giữa phạm vi nồng độ natri huyết thanh và nguy cơ suy tim.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá mức độ natri huyết thanh tương quan với quá trình lão hóa sinh học, được đánh giá thông qua 15 dấu hiệu sức khỏe. Họ phát hiện ra rằng những người có nồng độ natri huyết thanh bình thường trên 135 đến 146 (mEq/L) có nhiều khả năng thể hiện các dấu hiệu lão hóa sinh học với tốc độ nhanh hơn.
Bà Dmitrieva chỉ ra rằng phần lớn mọi người có thể tăng lượng chất lỏng của họ đến lượng khuyến nghị mà không gặp rủi ro. Điều này có thể thực hiện được với nước cũng như các chất lỏng khác như nước trái cây, rau và trái cây có hàm lượng nước cao.
Nghiên cứu được công bố trên eBioMedicine vào ngày 2/1.