Ảnh hưởng đến trí nhớ
Theo các nhà khoa học, việc sử dụng công cụ tìm kiếm có sự ảnh hưởng nhất định đến cách mà chúng ta ghi nhớ thông tin, mà ở đây chính là Transactive Memory (tạm dịch "bộ nhớ giao dịch").
Để rõ hơn về bộ nhớ giao dịch, có thể xem nó như là bộ nhớ mà mỗi chúng ta dựa vào người thân hay bạn bè trong việc lưu trữ thông tin. Chẳng hạn, trong một ngôi nhà với nhiều thành viên, thay vì nhớ số điện thoại của một tổ trưởng tổ dân phố, chúng ta sẽ phó thác cho ai đó lưu trữ thông tin này và hỏi khi cần đến. Hay như đi mua sắm, thay vì nhớ những món đồ cần mua, bạn sẽ nói người đi cùng ghi nhớ giúp.
Và với sức mạnh công nghệ như ngày nay, mà cụ thể là internet, bộ nhớ giao dịch được con người phó thác trên mạng, khi cần tìm hiểu một thông tin nào đó thì ngay lập tức "search". Đáng chú ý, những nội dung tìm kiếm sau khi phát hiện cũng nhanh chóng bị lãng quên, bởi có gì thì cứ lên internet tìm sẽ ra.
Có thể thấy rằng, con người đang dần phụ thuộc vào những kiến thức tìm kiếm trên internet, thay vì rèn luyện trí nhớ để lưu trữ các thông tin trong cuộc sống.
Có giúp tự tin hơn trong các câu trả lời?
Một dấu hỏi được đặt ra là liệu internet có giúp mọi người trở nên tự tin hơn mỗi khi phải giải thích về một chủ đề nào đó không liên quan đến kiến thức mình đang có? Để rõ hơn về vấn đề này, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Yale (ở New Haven, Mỹ) đã tiến hành một vài phép kiểm tra dành cho hai nhóm người khác nhau.
- Thí nghiệm 1: Người tham gia được yêu cầu trình bày một loạt các vấn đề cần giải thích, như "Tại sao có múi giờ?".
Nhóm thứ nhất được phép tìm kiếm thông tin trên internet (nhóm internet) cho câu trả lời. Còn nhóm thứ hai không được phép sử dụng internet (nhóm thực tế). Kết quả cho thấy nhóm internet đã tự tin hơn khi tiến hành diễn giải các câu hỏi.
Giải thích vấn đề, các nhà nghiên cứu cho rằng, khi nhóm internet tìm kiếm câu trả lời từ công cụ tìm kiếm, họ đã trang bị cho mình một hành trang kiến thức tốt nhất liên quan đến câu hỏi, nên sẽ tự tin hơn với câu trả lời của mình.
- Thí nghiệm 2: Một số câu hỏi đã được đưa ra, nhưng cả hai nhóm không được yêu cầu sử dụng công cụ tìm kiếm trước khi trả lời. Kết quả cho thấy, nhóm internet vẫn có câu trả lời được đánh giá cao hơn.
Tuy nhiên, một số nghi vấn được đặt ra về độ chính xác của báo cáo, bởi lẽ không có gì đảm bảo rằng nhóm internet có hay không sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm câu trả lời khi bị cấm (cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến, không phải trong phòng kín).
Ảo tưởng về sức mạnh kiến thức
Một vấn đề mà các nhà nghiên cứu đã đặt ra, đó là hoạt động tìm kiếm internet đã thúc đẩy sự tự tin tổng thể của những người tham gia thử nghiệm, hay đơn giản là họ chỉ tự tin về khả năng liên quan đến thông tin đã tìm thấy trên internet?
Để đưa ra câu trả lời cho vấn đề này, một nhóm thử nghiệm mới được thực hiện, với câu hỏi liên quan đến tự đánh giá yếu tố gần với đời sống (chẳng hạn "Mối quan hệ giữa các sinh viên năm nhất tại các trường cao đẳng hoặc đại học ra sao?"), thì khả năng của nhóm thực tế đã được đánh giá cao hơn.
Kết quả cho thấy, internet không thể mang lại một kiến thức chung, mà nó đơn giản khiến chúng ta cảm thấy "ảo tưởng" về kiến thức mà mình đã nhận được chỉ xảy ra trong lĩnh vực internet hỗ trợ. Một khi không có internet, mọi người sẽ trở nên lúng túng trước câu trả lời.
Theo nhóm nghiên cứu, kiến thức mà internet mang lại cũng giống như trong cuộc sống đời thực, để có được đầy đủ thông tin, con người cũng phải tiếp nhận từ môi trường xã hội hoặc tìm kiếm thông tin từ thư viện. Với kiến thức rộng lớn trên internet, sự ảnh hưởng của nó sẽ ngày càng lớn mạnh hơn.