Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện "đánh" B.52

Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện "đánh" B.52

(GD&TĐ) - Cuộc đời binh nghiệp của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân gắn liền với những cái đầu tiên: Phi công đầu tiên hạ siêu pháo đài bay B52 và trở về an toàn; người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ và người Việt Nam đầu tiên ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng… Tuy nhiên, như chính ông nhiều lần bộc bạch: Điều tự hào nhất đối với ông vẫn là việc được tham gia vào trận đánh 12 ngày đêm bảo vệ đất trời Hà Nội trong vai trò Phi công của đoàn Không quân Sao đỏ; trở thành người đầu tiên bắn hạ siêu pháo đài bay B.52, góp phần quan trọng vào chiến thắng rực rỡ của quân và dân Hà Nội 40 năm trước, tạo nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy làm khiếp vía kẻ thù xâm lược.

Nhớ lại những ngày khói lửa oai hùng của 40 năm trước, bắt đầu vào đêm 18/12/1972, Không quân Mỹ mở màn chiến dịch Linebacker II, sử dụng pháo đài bay chiến lược B52 tấn công miền Bắc Việt Nam, trong đó, Thủ đô Hà Nội là trọng tâm đánh phá, Trung tướng Phạm Tuân cho biết B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2.

Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng và khi bị đánh thì hầu như các mục tiêu bị phá hủy. Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩn, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B.52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, B.52 lại được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích đánh vào trận địa tên lửa, ném bom các sân bay không cho tiêm kích của ta cất cánh.

Có mặt ngay từ những ngày đầu diễn ra trận đánh, lại đã từng nghiên cứu nhiều về siêu pháo đài bay B.52 (mà Không quân Mỹ khi đó tự hào tuyên bố là bất khả chiến bại), Trung tướng Phạm Tuân cho biết ở thời điểm đó, Bộ đội Tên lửa của ta đã có Cẩm nang đánh B.52; thông qua thực tế tham gia nhiều trận đánh, đã rút ra những bài học, viết thành sách. Với bộ đội Không quân thì khó khăn hơn rất nhiều do còn thiếu kinh nghiệm thực tế; chưa kể B.52 được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, gây nhiễu ra đa, gây nhiễu mục tiêu…

Ngoài ra, loại siêu chiến đấu cơ này còn có tên lửa mồi, nếu chúng ta bắn tên lửa thì thả tên lửa mồi để ngăn chặn và phá hủy; đồng thời đằng sau đuôi máy bay lại bố trí cả súng cối. Mà đó chỉ mới là cơ chế bố trí để tự phòng vệ của siêu pháo đài bay này. Mỗi khi xuất kích, xung quanh B.52 luôn được bảo vệ bằng phi đội các máy bay trong đội hình, bay chặn, đánh ngay vào mục tiêu. Các lực lượng Tên lửa có thể bố trí trận địa cố định hay lưu động; lực lượng Không quân phải có sân bay, tránh được máy bay F4 bảo vệ B.52, để có thể nhanh chóng tiếp cận. Vì vậy, để chuẩn bị cho các tình huống này, Không quân của ta đã phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B.52.

Trung tướng Phạm Tuân kể về những giây phút khói lửa của 12 ngày đêm làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước
Trung tướng Phạm Tuân kể về những giây phút khói lửa của 12 ngày đêm làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước

Đó vẫn chưa phải là những khó khăn lớn nhất, theo Trung tướng Phạm Tuân. Vấn đề nan giải nhất khi đó là hầu hết các sân bay chiến đấu của ta đã bị Không quân Mỹ phá hủy rất nặng nề. “Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B52 vào, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, ta phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ. Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, và khi máy bay đeo thêm phải cất cánh trên đường băng chỉ 200m so với đường băng 1km thông thường. Trong đêm đầu tiên, tôi xuất kích ngay sau khi F11 đánh sân bay nhưng vẫn cất cánh được. Sau 12h đêm địch đều đánh sân bay nhưng ta đều cất cánh được. Chúng ta dự đoán được những phức tạp, khó khăn của tình hình và khắc phục được”, Trung tướng Phạm Tuân hào hứng nhớ lại. 

“Lúc đó, chúng tôi không sợ bị bắn rơi nhưng mỗi nơi bị chậm đi một chút, mình không đuổi được B52. Ví dụ, địch đánh vào sân bay, mình chậm đi một chút, trên đường máy bay yểm trợ đuổi mình chậm thêm chút… Nếu chậm một phút, máy bay B52 có vận tốc 900 km/h thì đã bay được 15 km, thế làm sao mà mình đuổi được” - Trung tướng Phạm Tuân tiếp tục hồi tưởng – “Vậy làm sao ta phải khắc phục được. Ở đây tôi lại nói về sự sáng tạo của bộ đội. Nga sản xuất máy bay và dạy chúng ta cách bay thế nào nhưng đối diện với thực tế bị nhiễu, rồi mảng mây nhiễu to như vậy rất khó biết B52 nằm ở chỗ nào, rất khó biết được chính xác”.

“Thế cho nên, phi công phải chủ động. Để vượt qua, thứ nhất, chúng ta cất cánh ở sân bay địch không ngờ tới để không bị chặn ở đầu đường băng. Tôi cất cánh đêm 17/12, anh Thiều (Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều, người đã dũng cảm phi cả chiếc máy bay chiến đấu trở đầy bom vào B.52 của địch, phá tan một trong những “siêu pháo đài bay” của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, là người thứ hai sau Phạm Tuân hạ được B.52 trong trận chiến 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” của 40 năm trước - PV) đêm 18/12, mang máy bay về sân bay Cẩm Thủy, không cất cánh ở Hà Nội. Đấy là cách để chúng ta tránh địch chặn đánh ở ngay sân bay”.

“Thứ hai, khi lên trời rồi, phi công phải nhanh chóng đi vào điều kiện thuận lợi, vậy chúng ta phải phán đoán F4 thường chặn chúng ta ở đâu, tầm cao nào để chúng ta tránh. Nếu F4 bay ở độ cao 3 km thì chúng ta phải bay cao hơn, tốc độ hơn. Tất cả những kinh nghiệm đó để xây dựng thành phương án bay để tránh F4. Lên thấy F4 nhiều lắm, bên phải có, bên trái có. Bên dưới chỉ huy là vượt qua mà đi. Vậy vượt qua bằng cách nào? Ở đây là bản lĩnh của phi công, phải phán đoán được tình huống như thế nào. Trận đánh B52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B52 chưa đầy một phút. Khi tiếp cận đằng sau B52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h nên đã vượt qua tất cả. Vượt qua phải bao gồm tất cả nỗ lực, từ tổ chức chỉ huy, sân bay cất cánh, dẫn đường, để có được điều kiện tốt nhất. Lúc đó, mệnh lệnh là không đánh F4, chúng ta vượt qua nó, dành tên lửa để đánh B52. Hiệp đồng với binh chủng tên lửa như thế nào, khi tên lửa bắn F4 chúng tôi tranh thủ để vượt qua. Rồi lựa chọn hướng vào tiếp cận B52 như thế nào. Tất cả tạo nên điều kiện thuận lợi nhất đánh B52. Tôi bắn B52 xong rồi mà F4 vẫn ở đằng sau nhưng không làm gì được”.

Trước câu hỏi của hậu bối cảm giác của ông như thế nào khi lần đầu đối diện với “siêu pháo đài bay” mà khi đó Không quân Mỹ vẫn tự hào “bất khả chiến bại”, có hồi hộp hay không? Trung tướng Phạm Tuân bật cười: Không chỉ hồi hộp mà còn... sợ, rất sợ là đằng khác. Tôi đã gặp B52 rồi, nhưng nếu sơ hở một chút, bật ra đa sớm thì F4 sẽ phát hiện và truy đuổi ngay, không thì B52 cũng chạy mất. Lúc đó tôi chỉ sợ B52 chạy mất. Sợ nhất điều đấy. Còn F4 quần đảo xung quanh rất nhiều. Tôi báo về sở chỉ huy nếu có F4 tiếp cận thì thông báo cho tôi biết; còn mình chỉ hướng tâm trí vào chiếc B52 phía trước, cố gắng làm sao để đạt tốc độ nhanh nhất. “Chiếc MiG – 21 tôi lái khi đó có tốc độ tối đa 1.600km/h, B.52 chỉ đạt được 900 km/h, mà sao mình vẫn thấy chậm vô cùng. Thực tế từ lúc bắt đầu tiếp cận mục tiêu đến lúc khai hoả chỉ vỏn vẹn 40 giây, nhưng lúc đó mình thấy như thời gian đứng hết cả lại. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa”, người Anh hùng từng làm khiếp vía quân thù 40 năm trước cười nhẹ nhàng kết thúc câu chuyện bằng hồi ức về 40 giây đã đi vào lịch sử của chính mình.    

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM ngày 7/4. Ảnh minh họa: VNUHCM

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.