Lễ hội đã được đưa về làng quê, người nông dân không chỉ là đối tượng được phục vụ, thưởng thức mà đã trở thành chủ thể của lễ hội.
“Chợ quê ngày hội” tạo ra một không gian, hoạt cảnh chợ quê với các hoạt động đua ghe truyền thống, tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, tham quan nhà trưng bày nông cụ, tham quan và dự các hội thi như: chằm nón, làng vui chơi làng ca hát, các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống của địa phương.
Tại Chợ quê ngày hội, nhiều bạn trẻ, du khách phương Tây tỏ ra thích thú trước một “diễn viên” là nông dân “đóng đạt” như bà Nguyễn Thị Loan.
Bà tâm sự: “Bữa nay làm nông toàn máy móc, người nông dân rảnh rang hơn, e chừng vài chục năm nữa mấy công việc đồng áng đơn giản như ri, nhớ được điệu hò như ri lớp trẻ sau này mần răng mà biết được. Thế nên kỳ Festival nào tui cũng tham gia, mong truyền lại cho các cháu một chút gì của Huế.”
Bên khung cảnh tái hiện cảnh tất bật giả gạo của người nông dân là từng tốp chị em say sưa với những đường chằm nón. Nghề chằm nón vốn nổi tiếng ở Thủy Thanh từ xưa, nay làng nghề này vẫn duy trì được sản phẩm nổi tiếng một thời của mình.
Dưới bàn tay của các mẹ, các chị là những “diễn viên” của làng nghề chằm nón Vân Thê, khung cảnh của một làng nghề với sản phẩm đã theo người nông dân đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh mấy chục năm qua đã được tái hiện lại một cách sinh động
Bên cạnh những “diễn viên” là nông dân, tại lễ hội “Chợ quê ngày hội”, du khách còn được chiêm ngưỡng ký ức về ruộng đồng thông qua nhà trưng bày các sản phẩm nông cụ đa dạng, gắn với người nông dân một thời.