Ăn rau trước bữa cơm có giúp giảm cân không?

GD&TĐ - Ăn rau trước bữa cơm là lời khuyên quen thuộc bạn nhận được khi có nhu cầu giảm cân. Nhưng thói quen ăn uống này có thực sự hiệu quả?

Ăn rau vào đầu bữa có thể đảm bảo lượng ăn vào của các nhóm thực phẩm khác thấp hơn. (Ảnh: ITN)
Ăn rau vào đầu bữa có thể đảm bảo lượng ăn vào của các nhóm thực phẩm khác thấp hơn. (Ảnh: ITN)

Tìm hiểu cách hoạt động của dạ dày

Melvin Look, bác sĩ tư vấn về phẫu thuật đường tiêu hóa, nội soi và béo phì (Hoa Kỳ), cho biết: “Nắm được cách hoạt động của dạ dày sẽ giúp bạn hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.

Đầu tiên, thức ăn bạn nạp vào được lưu trữ tạm thời trong dạ dày, nơi nó được phân hủy và trộn với axit và enzyme dạ dày.

Khi thức ăn tiếp tục đi vào dạ dày, một van thoát ra gọi là môn vị sẽ dần dần cho phép thức ăn được tiêu hóa một phần giải phóng vào ruột non, nơi nó được tiêu hóa tiếp và nơi các chất dinh dưỡng được hấp thụ.

Dạ dày có thể chứa từ 2 đến 4 lít thức ăn và chất lỏng trước khi nó căng phồng hoàn toàn, đồng thời chính sự căng ra của dạ dày sẽ truyền tín hiệu đến não rằng bạn đã no.”

Nắm được cách hoạt động của dạ dày sẽ giúp bạn hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. (Ảnh: ITN)
Nắm được cách hoạt động của dạ dày sẽ giúp bạn hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. (Ảnh: ITN)

Nhưng nếu bạn ăn ngấu nghiến thức ăn, có khả năng bạn sẽ ăn nhiều hơn mức cần thiết. Đó là bởi vì dạ dày và não của bạn cần có thời gian để ghi nhận cảm giác no - khoảng 15 đến 20 phút.

Đây là lý do tại sao bạn nên dành ít nhất 15 phút để hoàn thành bữa ăn của mình. Có sự khác biệt đáng kể giữa ăn nhanh và ăn chậm.

Lâu nay, câu ngạn ngữ “bạn là những gì bạn ăn” được nhiều người tán thành, bao gồm các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ và nhà nghiên cứu, những người phát hiện thực phẩm có khả năng điều chỉnh tâm trạng.

“Hãy ăn nhiều rau trước để bạn không ăn quá nhiều cơm” – sự thật hay lầm tưởng?

Các nhà nghiên cứu phát hiện những người ăn rau trước tiên có lượng insulin và lượng đường trong máu thấp hơn sau bữa ăn. (Ảnh: ITN)
Các nhà nghiên cứu phát hiện những người ăn rau trước tiên có lượng insulin và lượng đường trong máu thấp hơn sau bữa ăn. (Ảnh: ITN)

“Ăn rau vào đầu bữa có thể đảm bảo lượng ăn vào của các nhóm thực phẩm khác thấp hơn. Cách này giúp bạn no nhanh hơn và no lâu hơn,” Bibi Chia, chuyên gia dinh dưỡng chính tại Trung tâm Nội tiết và Tiểu đường Raffles của Bệnh viện Raffles (Hoa Kỳ) cho biết. Ngoài ra, khi bạn no, năng lượng carbohydrate từ cơm hoặc mì sẽ thấp hơn.

Có những nghiên cứu cho thấy lượng calo tổng thể của một bữa ăn sẽ thấp hơn khi rau được tiêu thụ trước. Vì vậy, đối với những người đang tìm cách giảm cân, đây là một bí quyết dễ dàng thực hiện.

Bibi Chia cho biết, đối với bệnh nhân tiểu đường và những người có vấn đề về chuyển hóa glucose, ăn món rau hoặc salad trước cũng có thể tránh được lượng đường trong máu và mức insulin tăng đột biến.

Thật vậy, một nghiên cứu cho thấy carbohydrate được tiêu hóa chậm hơn và cần ít insulin hơn nhờ chất xơ trong rau. Phương pháp ăn rau xanh trước carbs thậm chí còn được các nhà nghiên cứu khuyến nghị để ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch.

Các lợi ích sức khỏe của việc ăn rau trước bất cứ thứ gì khác trên mâm cơm của bạn đã được các nhà khoa học đưa ra. Họ nói rằng ăn thực phẩm theo một thứ tự nhất định sẽ tạo nên một thói quen lành mạnh cho sức khỏe.

Theo diabetes.co.uk, một nhóm nghiên cứu tại Vương quốc Anh cũng phát hiện ra rằng ăn rau giàu chất xơ trước thịt, cơm hoặc mì ống giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, đồng thời chậm quá trình làm rỗng dạ dày, tức là khi thức ăn rời khỏi dạ dày và di chuyển vào đường tiêu hóa.

Một nghiên cứu gần đây của Nhật Bản đã xem xét tác động của việc sắp xếp thứ tự bữa ăn đối với 18 phụ nữ trẻ, khỏe mạnh. Một số ăn rau trước trong khi số còn lại ăn carbohydrate trước.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những người ăn rau trước tiên có lượng insulin và lượng đường trong máu thấp hơn sau bữa ăn (đường huyết sau bữa ăn), ngay cả khi họ ăn nhanh hơn.

Nhóm nghiên cứu nhận xét: “Điều quan trọng là phải ăn rau trước và carbohydrate sau để cải thiện lượng đường huyết và insulin sau bữa ăn ngay cả khi ăn nhanh.”

Người ta tin rằng chất xơ có tác dụng chống lại lượng đường trong máu tăng đột biến sau khi ăn thực phẩm như mì ống và gạo trắng.

Chuyên gia dinh dưỡng Carolyn Williams (Hoa Kỳ) cho biết: “Không nhất thiết là do rau, nhưng tôi nghĩ chính chất xơ trong rau có thể tạo nên sự khác biệt.”

Một nghiên cứu khác vào năm 2011 tiết lộ rằng ăn rau trước carbohydrate trong mỗi bữa ăn giúp những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài.

Ngoài rau, mì ống nguyên hạt, gạo lứt, các loại hạt như hạnh nhân, đậu cũng rất giàu chất xơ.

Theo panasiasurg.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ