AN NINH TRƯỜNG HỌC: Không thể xem nhẹ!

GD&TĐ - Hiện nay, công tác đảm bảo an ninh trường học đang đặt ra nhiều thách thức với ngành Giáo dục ở các địa phương. 

Câu chuyện dưới cờ hàng tuần giúp học sinh nâng cao ý thức đạo đức thường xuyên
Câu chuyện dưới cờ hàng tuần giúp học sinh nâng cao ý thức đạo đức thường xuyên

Đã có những vụ việc người lạ mặt trà trộn vào trường học để thực hiện hành vi xâm hại học sinh; hành hung cán bộ, giáo viên; trộm cắp, phá hoại tài sản nhà trường. Trước thực trạng này, một số đơn vị trường học tìm đến giải pháp kết hợp chặt chẽ với ngành Công an, song song đó là chú trọng hơn đến công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên…

Bảo vệ nhà trường: thiếu và yếu

Thời gian gần đây xã hội chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tích, bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cả mầm non. Nhức nhối hơn là tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đặc biệt là các em bị lôi kéo, thực hiện hành vi vi phạm thông qua mạng xã hội. Các vụ việc trên đã ảnh hưởng không tốt đến an ninh, trật tự trường học, an toàn tính mạng học sinh và uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo, gây bức xúc trong xã hội.

Trước thực trạng đó, giải pháp đảm bảo an ninh trường học đang là câu hỏi khó cho cả ngành Giáo dục các địa phương. Trong khuôn khổ cơ sở trường học, cái khó dễ thấy nhất là lực lượng bảo vệ thiếu và yếu!

Do lương bảo vệ lẫn các chế độ phụ trợ thấp khiến nhiều trường học rơi vào cảnh thiếu hoặc không tuyển được bảo vệ, từ đó tình trạng an ninh trường học lỏng lẻo. “Có một thực tế trong các nhà trường là lương bảo vệ thấp nhưng yêu cầu công việc của bảo vệ lại cao. Vì đặc thù công việc của bảo vệ liên quan tới hoạt động quản lý học sinh, trong giờ học sinh học thì bảo vệ cũng phải quan sát, hiếm khi được ngơi nghỉ.

Không chỉ là quản lý cơ sở vật chất mà ở một góc độ nào đó, họ còn phải bảo đảm an toàn cho thầy trò nhà trường. Ở một số trường bảo vệ còn có nhiều việc “không tên” như sửa điện, nước… Nói chung một số việc nặng nhọc nào đó trong trường cũng phải nhờ đến bảo vệ. Việc định biên bảo vệ trường học cũng đang còn nhiều vướng mắc nên tìm bảo vệ đạt yêu cầu không phải dễ!”, một hiệu trưởng nhận định.

Về mặt liên kết với bên ngoài, việc phối hợp giữa nhà trường và địa phương, đặc biệt là với ngành Công an còn chưa chặt chẽ nên rất bị động khi có sự việc xảy ra. Trong thực tế việc phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong và xung quanh khu vực trường học khó có thể có sự chặt chẽ, nhịp nhàng, cũng như công tác trao đổi thông tin thiếu kịp thời…

Hình ảnh quen thuộc ở bên ngoài các trường học là những gánh hàng rong, xe ôm tạp nhạp “dẹp hoài không xong” để những phần tử manh động, trộm cắp muốn phá hại nhà trường hay có ý đồ gây sự, trấn lột học sinh dễ dàng trà trộn trong đó chờ cơ hội “ra tay”.

Ngành giáo dục và công an cùng đồng hành

Trước yêu cầu ngày càng cấp bách về vấn đề an ninh trường học, ngành Giáo dục và nhà trường ở nhiều địa phương đã chủ động liên kết chặt chẽ hơn với ngành Công an.

Ở Cần Thơ, bằng ký kết “Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành GD&ĐT TP Cần Thơ”, năm học 2016 - 2017, Công an TP Cần Thơ và Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phối hợp tổ chức 108 cuộc tuyên truyền với trên 73.535 lượt công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tham dự. Công tác bảo vệ cơ quan, giữ gìn an ninh trật tự được lãnh đạo ngành GD&ĐT thành phố quan tâm và chỉ đạo sâu sát.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Công tác phối hợp giữa hai ngành ngày càng đi vào chiều sâu, đạt mục đích đề ra. Hầu hết các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, phong trào tố giác tội phạm, xây dựng cơ quan, trường học an toàn về an ninh trật tự. Trong thời gian tới, lãnh đạo hai ngành tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện quy chế. Tăng cường phối hợp quản lý học sinh, sinh viên nhằm ngăn ngừa hạn chế mức thấp nhất tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội…

Với số lượng hơn 50.000 sinh viên, học viên đang học tại trường, từ nhiều năm qua Trường ĐH Cần Thơ cũng đã ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trường học với Công an TP Cần Thơ. Từ sự phối hợp này, nhà trường cùng lực lượng công an đã xử lý nhanh chóng, kịp thời các tình huống phức tạp mới nảy sinh, đảm bảo ổn định về an ninh trật tự tại trường.

Theo PGS-TS Trần Trung Tính - Phó Hiệu trưởng nhà trường: Từ khi thực hiện Quy chế phối hợp, hai đơn vị tạo mối quan hệ chặt chẽ, nâng cao hiệu quả trong các mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trường. Công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự được Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Lực lượng bảo vệ được tập huấn nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại trường.

Cụ thể, Trường ĐH Cần Thơ đã phối hợp với lực lượng công an để tổ chức tốt Tuần sinh hoạt công dân cho sinh viên đầu khóa học nhằm phổ biến các nội quy, quy định Bộ GD&ĐT, nội quy, quy chế học vụ của nhà trường, qua đó kịp thời thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội..., giúp sinh viên có ý thức tự bảo vệ bản thân, nâng cao cảnh giác trong việc phòng, chống tội phạm và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Hai đơn vị cũng đã cùng phối hợp tốt trong một số công tác quan trọng, như công tác bảo vệ các đoàn nước ngoài đến làm việc tại Trường ĐH Cần Thơ, công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong trường học, phối hợp quản lý sinh viên ngoại trú và nội trú. Đặc biệt qua đó đã xây dựng được các mô hình “Câu lạc bộ sinh viên ngoại trú tự quản”, mô hình xây dựng khu nhà trọ sinh viên ngoại trú an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có môi trường học tập và sinh hoạt thuận lợi, an tâm học tập.

Quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh “đời thường” của học sinh

Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, các cơ sở giáo dục còn tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Mặt khác, tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, kỹ năng sống cho học sinh, quan tâm giáo dục nhiều hơn đối với đối tượng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, có cá tính, lối sống không bình thường…

Chia sẻ về công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, thầy Nguyễn Quang Nhơn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh (Hậu Giang), cho biết: “Bên cạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền pháp luật và giáo dục đạo đức, trường còn chú trọng nội dung hoạt động của Tổ tư vấn học đường, xây dựng Hộp thư góp ý để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và những biến đổi trong tâm lý các em. Tôi thấy, từ các hoạt động cụ thể kể trên, đến nay nhà trường không có học sinh vi phạm pháp luật, các em tuân thủ nghiêm luật an toàn giao thông và tránh hoặc kiềm chế việc gây gổ, đánh nhau như trước...”.

Ở Đồng Tháp, ngay từ đầu các năm học, Sở GD&ĐT, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký kết liên tịch phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trường học, đảm bảo môi trường an toàn; không tệ nạn xã hội, không vi phạm an toàn giao thông... Các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp đều được ban giám hiệu, giáo viên lồng ghép tuyên truyền các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Nhà trường phối hợp với công an tỉnh, huyện, xã tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội. Đặc biệt là nhiều trường thành lập “Đội An ninh trường học”, thành viên các đội này có nhiệm vụ nắm bắt tình hình, báo cáo giáo viên chủ nhiệm những học sinh bỏ học, uống rượu, tụ tập đánh nhau bên trong, ngoài nhà trường.

Ban giám hiệu tiếp nhận nhiều tin báo liên quan đến học sinh và cùng cơ quan công an ngăn chặn kịp thời, từ đó góp phần tích cực vào việc phát hiện, chấn chỉnh một số học sinh cá biệt, lười học tập, có mối liên hệ với thanh thiếu niên không tốt bên ngoài, vướng vào tệ nạn xã hội.

Với những hoạt động phối hợp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố, tình hình an ninh trật tự trường học ở Đồng Tháp đi vào ổn định, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông và tham gia các vụ việc gây rối xã hội gây bức xúc trong dư luận liên quan đến đạo đức học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.