Bạc tóc ngay cả khi còn trẻ
Mặc dù mới 28 tuổi, chưa có chồng, con nhưng chị Khương Thị Nhàn đã bị bạc tóc rất nhiều ở đỉnh đầu. Điều lạ là không ai trong gia đình mắc chứng tóc bạc sớm như chị Nhàn. Ngay cả mẹ chị bây giờ cũng mới chỉ lác đác tóc bạc. Chứng bạc tóc khiến chị Nhàn trông già hơn cả chục tuổi.
Chính vì điều này khiến chị đã muộn chồng, lại càng khó có cơ hội có người yêu. Nghe theo lời khuyên của nhiều người, chị Nhàn đến bệnh viện chuyên về da liễu khám. Sau khi làm các xét nghiệm và thăm hỏi chế độ sinh hoạt hàng ngày của chị Nhàn, bác sỹ khuyên chị bớt lo nghĩ và ăn nhạt hơn so với mức ăn bình thường hàng ngày. “Tôi đã thực hiện theo lời bác sỹ khuyên, không nghĩ ngợi nhiều chuyện chồng con nữa, cũng ăn nhạt hơn. Bình thường tôi ăn mặn hơn mọi người. Nếu tôi cảm thấy nhạt thì mọi người trong gia đình thấy vừa miệng. Nếu tôi cảm thấy vừa miệng thì mọi người thấy mặn. Còn nếu tôi thấy hơi đậm thì mọi người trong gia đình tôi không thể ăn được vì quá mặn. Sau hơn một năm tôi cố ăn theo mọi người trong gia đình, chứng bạc tóc có vẻ giảm đi khá nhiều”, chị Nhàn cho biết.
Giải thích về hiện tượng người trẻ tuổi có thể bạc tóc vì ăn nhiều muối, các tác giả cuốn sách 350 điều không nên của NXB Từ điển Bách Khoa cho rằng, vì muối là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và cao huyết áp. Khi bị cao huyết áp, lượng máu cung cấp cho não không đủ dẫn tới khả năng tổng hợp sắc tố đen của các nang lông và sắc tố đen bị hạ thấp, dẫn tới việc bạc tóc khi vẫn đang còn trẻ.
Một chứng bệnh nguy hiểm hơn cho cơ thể nếu chúng ta ăn nhiều muối là chứng ngập máu, đột quỵ ở não. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại một số vùng đồng bằng, nhất là vùng đồng bằng gần biển cho thấy người dân khu vực này ăn muối nhiều gấp đôi so với lượng muối cần thiết. Các chuyên gia ở Viện này đã kết luận rằng, điều đó đặc biệt nguy hiểm vì ăn quá nhiều muối dẫn tới việc tăng huyết áp và gây chứng ngập máu đột quỵ ở não. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, với những người đang bị bệnh cao huyết áp thì rất cần phải giảm ngay lượng muối ăn hàng ngày, vì lượng muối được hấp thụ vào cơ thể càng ít càng có cơ hội giảm huyết áp.
Ngoài ra, những người mắc bệnh hen suyễn có thể bị mắc bệnh trầm trọng hơn nếu ăn quá mặn. Bình thường, cơ trơn của khí quản có độ mẫn cảm cao có thể “thẩm thấu đối với natri”, tác động làm co khí quản, co mạch máu và huyết áp dễ gây nên hen suyễn nặng hơn. Nhưng tính phản ứng cao của khí quản có thể giảm đi nếu ăn lượng muối thấp.
Ăn nhiều muối gây nguy hại cho cơ thể, nhưng nếu thiếu muối thì cũng khiến cho cơ thể rất mệt mỏi, có thể hôn mê nếu thiếu nặng (với trẻ em), đặc biệt là muối i-ốt với phụ nữ mang thai. Lâu nay, nhiều người chỉ biết thiếu i-ốt gây nên bệnh bướu cổ, đần độn vì i-ốt là nguyên liệu chủ yếu tổng hợp hormone giáp trạng. Khi thiếu i-ốt, cơ thể sẽ phản ứng bù trừ bằng cách tăng sinh tuyến giáp, nhằm tăng cường hoạt động để sản sinh lượng hormone đầy đủ do đó dẫn đến hiện tượng bướu cổ (phì đại tuyến giáp), gây rối loạn chức năng dẫn tới đần độn.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn cảnh báo, với phụ nữ mang thai nếu thiếu i- ốt, người mẹ dễ sinh con khuyết tật như: Trẻ bị đần độn về trí tuệ do tổn thương não vĩnh viễn hoặc có nguy cơ bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt chân, tay…Ngoài ra, khi mang thai, nếu thiếu i-ốt, phụ nữ cũng dễ bị sảy thai, thai chết lưu hoặc thai kém phát triển hơn những phụ nữ bình thường khác.
Ăn bao nhiêu muối mỗi ngày?
Muối có công thức hóa học là NaCl gọi là Natri Chlorua, khi vào cơ thể sẽ được tách ra thành Natri và Chlor. Vai trò của những chất này rất quan trọng vì chúng giữ sự ổn định môi trường trong máu, trong tế bào, chúng tham gia vào quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng qua màng tế bào…Mặc dù muối rất quan trọng nhưng cũng không thể thiếu hay thừa. Vì cả hai đều gây hậu quả không tốt cho sức khỏe. Vậy mỗi ngày một người nên ăn bao nhiêu muối?
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày, người lớn chỉ cần ăn một lượng muối thấp hơn 10g. Nhưng tốt nhất là từ 6-8g muối. Riêng mùa hè, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi hơn mùa đông, vì vậy mỗi người cũng cần ăn tăng thêm một chút muối để bổ sung lượng muối bị mất qua mồ hôi.
Với trẻ em, chức năng thận còn non nớt, bạn không nên cho muối vào thức ăn của trẻ trước khi trẻ 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt để thận của bé không phải “làm việc” quá tải. Lượng muối có trong thực phẩm tự nhiên là đủ cho nhu cầu của trẻ. Lượng muối dư trong thực phẩm sẽ được thận của trẻ thải ra và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng, nếu nêm muối thì thận chưa trưởng thành của trẻ phải làm việc nhiều hơn, sẽ dư thừa muối làm trẻ khát nước, biếng ăn, mệt mỏi và nguy cơ cao huyết áp sau này.
Nấu ăn cho trẻ trên 3 tuổi nên sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường để đảm bảo đủ nhu cầu i-ốt cho cơ thể trẻ và phòng được các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý là i-ốt có khả năng bị hao hụt trong quá trình bảo quản hay chế biến như đun sôi lâu trong nước sẽ bị mất tác dụng. Do đó, khi nêm nếm thức ăn, để giữ lượng i-ốt thì cần cho muối i-ốt vào khi thức ăn gần chín. Không để muối i-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào.
Mỗi ngày, người lớn chỉ cần ăn một lượng từ 6-8g muối. Riêng mùa hè, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi hơn mùa đông vì vậy mỗi người cũng cần ăn tăng thêm một chút muối để bổ sung lượng muối bị mất qua mồ hôi.
Với trẻ em, bạn không nên cho muối vào thức ăn của trẻ trước khi trẻ 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt để thận của bé không phải “làm việc” quá tải.
(Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia)