Ăn nấm hái ở rừng về, chồng tử vong, vợ và con dâu nguy kịch

GD&TĐ - Một gia đình ở Sơn La sau khi ăn nấm do hái ở rừng về, người chồng đã tử vong, vợ và con dâu nguy kịch hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Nấm gây ngộ độc là nấm độc tán trắng (nguồn inrternet).
Nấm gây ngộ độc là nấm độc tán trắng (nguồn inrternet).

Loại nấm gây ngộ độc được xác định là nấm độc tán trắng

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Hai bệnh nhân bị suy gan nặng do ngộ độc nấm dù đã được xử trí ban đầu ở tuyến dưới.

Sau 4 ngày điều trị tích cực, tình trạng của hai mẹ con đã khá hơn, tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn được điều gì.

Được biết, trước đó, một người trong gia đình ở Sơn La đi rừng đã hái nấm trắng về làm bữa tối. Họ không nghĩ là nấm độc bởi cho rằng nấm sặc sỡ mới độc.

Sáng hôm sau khi ngủ dậy, cả 3 người cùng nôn thốc tháo, đau bụng dữ dội, họ được hàng xóm đưa đến BV huyện cấp cứu nhưng do ngộ độc quá nặng, người chồng đã tử vong. Vợ và con dâu được chuyển xuống Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị.

Loại nấm gây ngộ độc được xác định là nấm độc tán trắng. Theo Cục An toàn thực phẩm, nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna, thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng. Mũ nấm màu trắng và bề mặt mũ nhẵn bóng.

Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ. Chúng thường mọc ở các khu vực ven rừng vầu, tre, trúc, cọ và một số khu rừng với nhiều loài cây mọc thưa.

Những khu vực có nấm độc tán trắng mọc năm nay thì năm sau thường mọc lại vì khu vực này có các bào tử nấm phát tán ra. Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao.

Tỉ lệ tử vong cao

So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Triệu chứng của ngộ độc nấm ban đầu rất mơ hồ như đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, nhiều người nghĩ đỡ không đến bệnh viện nhưng các triệu chứng xuất hiện trở lại thì đã hôn mê gan, tổn thương gan.

Theo BS Nguyên, hầu hết các ca ngộ độc nấm chuyển đến trung tâm đều rất nặng, trong đó từng có gia đình 9 người nhưng 8 người không qua khỏi. Hầu hết các ca ngộ độc nấm đều xảy ra ở các tỉnh vùng núi, nơi có nhiều nấm dại mọc nhưng người dân chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc.

Ngoài ra cách phân biệt nấm độc bằng cách dùng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc để thử, nếu thay đổi màu xám đen là nấm độc cũng không đúng vì độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.

Với các loại nấm độc, tác động trên cơ thể người từ 12-24 giờ sau ăn. Với động vật còn chậm nữa, thường sau 4-5 ngày nên người dân không thể dựa vào quan niệm cho rằng động vật ăn được thì người ăn được.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, nếu không may ăn phải nấm độc, khi còn tỉnh táo, cố gắng móc họng gây nôn rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Với các loại nấm tươi lành tính, để tránh ngộ độc, các gia đình cũng nên chế biến càng sớm càng tốt, nếu để nấm bị dập nát, thối rữa sẽ hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.