Ăn mặn có phải uống nhiều nước không?

Quan điểm về việc ăn nhiều muối dẫn tới hiện tượng khát và cần uống nước nhiều hơn có lẽ sẽ thay đổi sau một nghiên cứu thực tế mới đây của các nhà khoa học đến từ Nga, Mỹ và Đức.

Ăn mặn có phải uống nhiều nước không?

Hai nghiên cứu mới nhất trên tạp chí khoa học The Journal of Clinical Investigation cho biết, cơ thể con người dường như có một cơ chế đặc biệt giúp giảm hiện tượng khát và bảo tồn lượng nước trong cơ thể khi con người ăn nhiều muối.

Nghiên cứu đầu tiên trên các phi hành gia người Nga cho thấy, sau khi ăn thật nhiều muối, cơ thể mặc dù vẫn đưa ra tín hiệu khát nước, tuy nhiên trong vòng 24 giờ sau đó, cảm giác khát dần mất đi nhờ một cơ chế đặc biệt giúp bảo tồn lượng nước trong cơ thể.

Trong khi đó, nghiên cứu thứ hai của các nhà khoa học Mỹ và Đức thực hiện trên chuột cho thấy, việc hiểu được cơ chế bảo tồn nước của cơ thể giúp đưa ra chế độ ăn uống khi du hành vũ trụ hay các căn bệnh nguy hiểm như béo phí, tiểu đường, bệnh tim dễ dàng hơn.

Hai nghiên cứu mới nhất lấy nền tảng từ công trình nghiên cứu của nhà khoa học Jens Titze đến Trung tâm Y tế, ĐH. Vanderbilt, Mỹ. Nghiên cứu của Titze bắt đầu từ năm 1994 cho tới nay trên các phi hành gia. Ông nhận thấy, nồng độ natri và lượng nước tiểu sản sinh trong cơ thể không hẳn có mối quan hệ mật thiết như nhiều nghiên cứu trước đây khẳng định.

Các nhà khoa học giải thích nguyên nhân tại sao ăn nhiều muối lại khát nước bằng việc tìm hiểu cơ chế cân bằng nước trong cơ thể con người. Khi nạp thêm muối (Natri Clorua) vào cơ thể, cảm giác khát sẽ gia tăng do các tế bào bị mất nước, dẫn tới cơ thể bị mất cân bằng. Và để cân bằng lượng natri trong cơ thể, vùng dưới đồi trên não bộ sẽ gửi tín hiệu điều chỉnh sự cân bằng đó bằng cách ép cơ thể uống thật nhiều nước.

Tuy nhiên kết quả nghiên cứu thực tế của Titze và các nghiên cứu mới nhất lại cho điều ngược lại, ăn nhiều muối không đồng nghĩa với việc, một người phải cố gắng uống thật nhiều nước để bù lại.

Trong nghiên cứu của Titze, khoảng 10 phi hành gia tham gia sứ mệnh mô phỏng thám hiểm sao Hỏa có một chế độ ăn kiêng quy củ và trong tầm kiểm soát, lượng muối dao động từ 6, 9 đến 12 gram/ngày.

Trên thực tế, phi hành đoàn ăn càng nhiều muối, họ càng thải ra nhiều muối hơn thông qua hệ bài tiết. Lúc này thể tích nước tiểu tăng lên và nồng độ natri trong cơ thể phi hành đoàn sẽ giữ được sự ổn định.

Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên, các phi hành gia bắt đầu uống ít nước hơn trong khi họ vẫn liên tục nạp ngày càng nhiều muối vào cơ thể. Ngoài ra các phi hành gia cho biết, họ cảm thấy đói và ăn nhiều hơn mặc dù có cùng một lượng ăn như người bình thường.

Chia sẻ với tờ New York Times, Titze cho biết: "Cơ thể con người có thể đã tạo ra hoặc tự sản xuất nước khi lượng muối đưa vào cơ thể ngày càng cao hơn"

Nghiên cứu thứ hai của các nhà khoa học Mỹ và Đức được thực hiện trên chuột cho thấy kết quả tương tự. Vậy điều gì diễn ra khi lượng muối trong cơ thể ngày càng tăng nhưng cơ thể không cảm thấy khát, thậm chí lại tăng cảm giác thèm ăn?

Thực tế khi vào cơ thể, muối làm tăng lượng hormon glucocorticoid sản sinh trong cơ thể. Hormon này có tác động chủ yếu tới quá trình trao đổi chất và hệ miễn dịch của con người.

Các hormon glucocorticoid đã phá vỡ cấu trúc các protein và chuyển hóa thành urê. Thông thường urê chức năng giúp đưa chất thải ra khỏi cơ thể qua hệ bài tiết, tuy nhiên trong trường hợp này, urê là chất đã ngăn chặn quá trình bài tiết nước ra khỏi cơ thể. Urê là một hợp chất hữu cơ của C, N, O2 và H2 được tổng hợp từ gan và là sản phẩm quan trọng của quá trình chuyển hóa nitơ.

Các nhà khoa học trước đây từng cho rằng, các ion natri và clorua trong muối kéo các phân tử nước vào trong nước tiểu. Mặc dù vậy urê có thể là chất đã ngăn chặn hiện tượng mất nước.

Quá trình giải phóng nước khỏi cơ thể tiêu tốn khá nhiều năng lượng, điều này cũng giải thích tại sao khi càng ăn mặn, chúng ta càng nhanh đói. Trong thử nghiệm trên chuột, những con chuột đã ăn gấp 20-30% lượng thức ăn khi ăn nhiều muối hơn.

Rõ ràng giới y khoa nói riêng và khoa học nói chung cần xem xét kỹ càng về mối liên quan giữa chế độ ăn có hàm lượng muối cao và hiện tương tăng cân, béo phì ở nhiều người.

Ngoài ra, nồng độ glucocorticoid cao trong máu liên quan đến các căn bệnh như đái tháo đường tuýp 2 cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học dường như đã thấy được chức năng quan trọng của urê trong việc cân bằng lượng nước của cơ thể.

Hai nghiên cứu mới nhất đã được đăng tải trên tạp chí The Journal of Clinical Investigation mới đây.

Theo Vnreview/ScienceAler

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ