Theo đó, ngành yêu cầu cơ sở tổ chức sinh hoạt chuyên môn (SHCM) theo nghiên cứu bài học (NCBH) định hướng phát triển năng lực học sinh. Mô hình nhằm thúc đẩy đổi mới công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong trường tiểu học.
Xây dựng thư viện thân thiện nhằm bổ sung tri thức, mở mang trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách cho trẻ; xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Giáo dục nhà trường gắn với hoạt động lao động và sản xuất là hình thức giáo dục ý thức, thói quen và kỹ năng lao động, củng cố và phát huy những kiến thức, rèn luyện thể lực học sinh bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, đồng thời là tiền đề góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong tương lai.
Trong thời gian qua, mô hình giáo dục này được triển khai ở một số trường tiểu học trong tỉnh, bước đầu thu được kết quả khả quan.
Thầy Trương Kỉnh Nhơn, giáo viên Trường Tiểu học A thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn) - thành viên Tổ bộ môn Mĩ thuật tiểu học tỉnh An Giang, chia sẻ: “Dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới, học sinh hứng thú tham gia các hoạt động học tập trên lớp. Sản phẩm của các em làm ra cũng rất sáng tạo.
Ngoài ra, học trò có nhiều cơ hội thể hiện trí tưởng tượng và sáng tạo của mình. Vận dụng phương pháp mới đối với môn Mĩ thuật giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng lực cần đạt đối với học sinh tiểu học”.
Tổ chức “sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. |
Ngoài ra, mô hình xã hội hóa dạy kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học cũng được nhiều trường chủ động hoặc kết hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện. Các bên đã xây dựng bể bơi để dạy kỹ năng bơi và giáo dục phòng tránh đuối nước cho học sinh.
Bên cạnh đó, dạy học tiếng Anh tăng cường trong trường tiểu học nhằm phát triển đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh được chú trọng thông qua việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và hiện đại.
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho biết: “Xây dựng và thực hiện các mô hình đổi mới hoạt động giáo dục, toàn tỉnh có 132 trường tiểu học được lựa chọn thí điểm, nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 kể từ năm học 2022 - 2023.
Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường tăng cường hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, sau khi đánh giá hiệu quả các mô hình sẽ mở rộng ra trường tiểu học còn lại trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.
Sở cũng yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động lựa chọn 2 trường tiểu học/mô hình xây dựng và triển khai hiệu quả việc đổi mới giáo dục ở cấp tiểu học;
Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời tích cực viết bài, tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm và kết quả thực hiện các mô hình trên báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng.