An Giang: Cần làm rõ nguyên nhân cá nuôi chết hàng loạt

GD&TĐ - Từ trước và sau Tết đến nay, trên đoạn sông Cái Vừng, thuộc địa bàn 2 huyện giáp ranh là Phú Tân (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) có hàng trăm bè nuôi cá điêu hồng, cá lăng nha, mè vinh, rô phi… của người dân chết sạch, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Người nuôi cá đứng nhìn cá chết nổi trắng bè ở Phú Tân, An Giang.
Người nuôi cá đứng nhìn cá chết nổi trắng bè ở Phú Tân, An Giang.

Cá chết trắng sông

Dòng sông Cái Vừng được gọi là “dòng sông cá” vì nơi đây gần tiếp giáp với sông Tiền, từ thượng nguồn Campuchia đổ về. Bao đời nay dòng sông này giúp hàng trăm hộ dân nên làm ra nhờ nghề nuôi cá lồng bè trên sông. Thế nhưng, hiện nơi đây ảm đạm vô cùng khi làng bè lâm cảnh “vườn không nhà trống” sau một trận cá chết nổi trắng sông.

Là một trong rất nhiều ngư dân bị thiệt hại, ông Nguyễn Văn Nhàn (ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, Phú Tân, An Giang) nuôi cá trên 20 năm nay, cho biết:

“Nhà nuôi 5 bè cá gồm các loại như: lăng nha, mè, cá giống. Lúc từ 1 - 4 giờ sáng ngày 4/2, phát hiện bè cá rô phi và cá he của người hàng xóm chết hàng loạt từ bến đò số 10 và 11.

Đến sáng 5/2, cá tôi bắt đầu chết như những hộ gần đó. Mặc dù huy động 6 máy bơm và bình oxy để can thiệp vẫn không ăn thua gì. Tổng lượng cá thịt chết là khoảng 40 tấn và 150.000 con cá giống, ước thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng”.

Theo lời ông Nhàn, để vớt được lượng cá chết thì ông phải huy động hơn 30 nhân công. Sau khi vớt xong cá được đưa vào ướp đá để qua Tết bán cho các hộ nuôi cá nơi khác làm cá mồi với giá từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Dù trước lúc cá chết vài hôm có thương lái đến ngã giá mua cá lăng nha của ông là 97.000 đồng/kg.

Đến trước bè cá ngồi trong vẻ mặt thất thần, ông Trần Văn Dũng (ở ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, Hồng Ngự, Đồng Tháp) buồn bã kể:

Sáng 4/2, bè nào cá cũng nổi dày đặc mặt nước. Lúc ấy, tôi đem máy đạp nước, 3 mô tơ và 2 bình oxi, để thổi vì nghĩ cá nực nước nhưng càng làm thì cá chết càng nhanh.

Đến 5 giờ cùng ngày, cá nổi trên mặt nước càng thưa lại nào ngờ lặn xuống kiểm tra thì cá chết dày cả mét. Số cá này đã bán cho thương lái với giá 29.000 đồng/kg, chờ thương lái sau Tết sẽ đến, ai ngờ lại xảy ra cớ sự này.

Phải biết cá bị ngộ độc thì lúc đầu đã vớt lên thả vào nước sạch hoặc vận chuyển đi nơi khác là ổn rồi. Ngoài cá trong bè thì lịch, tôm, cá lăng… ngoài sông vẫn nhào đầu và nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Giờ đây tiền thức ăn và vay ngân hàng là 1 tỉ đồng mà không biết đến bao giờ mới trả được !

Người nuôi trắng tay!

Đìu hiu làng bè nuôi cá Cái Vừng sau trận cá chết hàng loạt
 Đìu hiu làng bè nuôi cá Cái Vừng sau trận cá chết hàng loạt
 

Sau tết, chúng tôi tìm về đoạn sông cá bị chết. Tại đây, rất khó để thấy cảnh vợ chồng, con cái của những người nuôi bè ra chăm sóc, quản lý, nói chuyện rôm rả như trước. Đổi lại là cảnh vắng lặng hoặc thỉnh thoảng có vài chiếc ghe lặng lẽ kéo chiếc bè đi qua để đến nơi khác “lánh nạn”.

Lo sốt vó vì 7 bè và 6 vèo nuôi cá một đêm chết tức tưởi, ông Huỳnh Văn Hiên (47 tuổi, ngụ xã Phú Lâm, Phú Tân), cho biết: Tổng lượng cá nuôi của gia đình sắp xuất bán trên 220 tấn.

Ngày cá có biểu hiện bất thường thì tôi huy động 60 lao động cứu vớt nhưng chỉ cứu được trên 20 tấn, ước thiệt hại khoảng 9 tỉ đồng. Trong đó 8 tỉ đồng là vốn đầu tư.

Nuôi cá từ năm 1995 đến nay và hàng năm chỉ hao hụt chưa đầy 1%, còn giờ thì mất trắng. Số tiền dành dụm làm ăn mấy mươi năm đã mất sạch trong tích tắc.

Còn anh Nguyễn Thanh Ngân - 46 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa A (xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) bị thiệt hại 22 tấn cà mè vinh, cá he và 160.000 cá giống 2 tháng tuổi. Anh Ngân nói: “Trong nghề nuôi cá trên 15 năm nay mà vẫn chưa thấy cảnh này, chỉ sau 2 ngày đàn cá nuôi trong bè bị thiệt hại nặng.

Lúc cá bị sốc, chúng tôi vẫn chạy cứu nhưng đành bó tay. Giờ đây tiền thức ăn, tiền vay thì gia đình nợ ngân hàng, đại lý thức ăn trên 300 triệu đồng.

Ngoài chuyện nợ nần chúng tôi lo lắng không thể tái sản xuất khi chưa tìm được nguyên nhân. Chúng tôi đang nghi ngờ trong khu vực từ bến đò số 10 - 18 có cơ sở xả thải, bởi từ số 9 trở lại thì cá vẫn sống bình thường”.

Ông Võ Hùng Dũng - Phó GĐ Sở TN-MT tỉnh An Giang - cho biết: Sở vừa có báo cáo mới nhất về tình hình cá nuôi trên sông Cái Vừng chết đột ngột thuộc huyện Phú Tân (An Giang) giáp với huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Theo đó, nguyên nhân chính làm cá chết đột ngột hàng loạt là do thiếu oxy bởi mật độ nuôi cao, lượng thức ăn dư thừa kết hợp với chất thải từ cá vào nguồn nước… Tuy nhiên Sở NN-PTNT tỉnh này lại cho rằng trong nước sông có thành phần một số hóa chất, có thể do một số nhà máy chế biến thải ra…

Theo thống kê mới đây của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, tổng lượng cá nuôi bè trên sông Cái Vừng thuộc 2 huyện Phú Tân và Hồng Ngự bị thiệt hại khoảng 1.119 tấn, trong đó An Giang 655 tấn, Đồng Tháp 464 tấn, ước thiệt hại khoảng hơn 40 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ