Trong một dịp tình cờ đến làng cá khô Khánh An thuộc xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chúng tôi phát hiện người ta quét dọn, gom vảy cá đổ vào bao để dành bán.
Xưa nay hầu như ai ai khi mần cá có vảy cũng đều đánh vảy bỏ đi. Do vậy chuyện vảy cá mang ra mua bán khiến chúng tôi ngạc nhiên và thắc mắc.
Đánh vảy cá ở 1 cơ sở làm khô cá sặc rằn
Bán “rác” hốt bạc
Vào một ngày nọ, tại cơ sở chế biến khô cá sặc bổi (sặc rằn) Suộl, chúng tôi thấy có rất đông nhân công đánh vảy cá làm khô. Sau một hồi thì có người phụ nữ xuất hiện, xách cái sọt kèm khay và cây chổi quét rác. Đó là người thu gom vảy cá để bán. Điều đó hoàn toàn đi ngược với thói quen xưa nay người ta thường thấy, là việc gom vảy cá bỏ đi chỉ diễn ra vào cuối buổi mần cá.
Thông thường vào cuối buổi mần cá, ở các điểm tập trung đông người như làng nghề làm khô, mắm hay ở chợ, nhân công quét dọn mới đến làm việc. Họ xịt nước, quét vảy cá xuống kênh rạch hay cống rãnh bỏ. Hoặc nhân công vệ sinh để các bao vảy cá tại nơi làm cá chờ xe thu gom rác đến chở đi đổ bỏ. Bởi vì vảy cá được xem là một loại rác.
Nhưng ở cơ sở chế biến khô cá sặc bổi tên Suộl thì người thu gom phế phẩm xuất hiện ngay khi các thợ mần cá còn đang hì hục đánh vảy. Và người quét dọn này làm việc khác hẳn với chuyện thu gom vảy cá bỏ đi. Người này đến từng điểm mần cá đưa chổi quét toàn bộ vảy cá vào khay hốt rác.
Tay họ liếng thoắng quét và đổ vảy cá vào sọt. Thỉnh thoảng họ lại bê sọt chứa vảy cá đổ vào bao (loại bao chứa lúa). Dọn sạch vảy ở điểm mần cá này, họ liền đến điểm khác. Cứ thế, những bao vảy cá được chất tại cơ sở chế biến khô chờ người đến mua chở đi.
Sọt đựng vảy cá.
Chị Nguyễn Thị Mới (em dâu chị Võ Thị Nhung - chủ cơ sở chế biến khô cá sặc bổi Suộl) cho hay, chị đến tiếp chị dâu quét dọn tại cơ sở mần khô khoảng 15 năm nay. Khi đó chị chỉ biết làm vệ sinh cho cơ sở sạch sẽ. Còn vảy cá thì gom vào bao đem chất tại nhà cho xe chở rác đến lấy đi bỏ.
Trước kia chỉ có thương lái đến mua đầu và ruột cá, chứ chẳng ai mua vảy bao giờ.
Theo chị Mới, chuyện mua bán vảy cá sặc bổi tại cơ sở Suộl diễn ra 2 năm rưỡi trước. Khi đó bỗng có người hỏi mua vảy cá sặc bổi. Người này và chị thương lượng sẽ mua vảy cá lâu dài và "chết giá" 1.200 đồng/kg.
Thế là kể từ đó chị có thêm khoản thu nhập đáng kể. Một tháng chị có thể kiếm được trên 20 triệu đồng từ bán cái thứ mà lâu nay coi là rác này.
“Mỗi ngày tại cơ sở chế biến khô mần khoảng 10 tấn cá sặc bổi, cho ra 600 kg vảy cá, tui bán kiếm được 720.000 đồng. Có ngày mần cá ít và ngày mần nhiều hơn. Vì thế mà vảy cá có khi nhiều khi ít. Có khi tui cũng bán được cả triệu đồng tiền vảy trong 1 ngày”, chị Mới tiết lộ.
Bí ẩn lời giải
Chị Mới cho biết, bản thân chị là người làm vệ sinh cho cơ sở chế biến khô, có người hỏi mua vảy cá thì chị thu gom bán. Chứ chuyện thương lái mua vảy làm gì thì chị chưa bao giờ hỏi. Bởi chị nghĩ, đó là chuyện làm ăn của người ta, không tiện hỏi. Mà giả sử chị có hỏi thì chưa chắc người mua kể thật.
“Chuyện người ta mua vảy cá mình cũng thấy lạ, nhưng chẳng thể nào biết họ mua làm gì? Hồi trước người ta mua rồi nghỉ khoảng 1 tuần, rồi người khác mua. Và tui đã bán vảy cá trở lại gần 2 năm nay. Theo tui biết thì ngoài vảy cá sặc, vảy cá lóc người ta cũng mua. Cứ chiều là có người chạy xe đến thu mua. Có chuyện bán vảy cá thu nhập của mình đỡ lắm”, chị Mới thổ lộ.
Đổ vảy cá vào bao dành để bán.
Còn chị Lê Thị Kiến (thợ mần cá thuê ở làng khô Khánh An) cho biết, chị chẳng biết người ta mua vảy cá để làm gì. Chị thấy mấy tháng gần đây có người gom vảy cá bán. Hầu như vảy đánh ra bao nhiêu thì đều được thu mua hết sạch.
Theo chị Kiến, thời gian gần đây vảy cá bán rất chạy. Nhờ thế mà dân trong làng Khánh An đứng ra thu mua rồi bán lại cho thương lái ở xa để hưởng lợi từ chênh lệch giá.
Chị có người chị dâu bà con cũng đang làm cò vảy cá. Người chị dâu mua tại cơ sở chế biến khô giá 1.200 đồng/kg vảy thì bán lại được 2.000 đồng/kg. Mặc dù giá vảy cá tăng cao nhưng vẫn có nhiều người giành mua.
“Ở đây có nhiều người mua vảy cá để bán lại. Thương lái mua lại vảy cũng nhiều. Người ta chạy xe tải đến thu mua vảy cá sặc bổi và cá lóc. Bữa hổm, có chiếc xe tải đậu trước cổng Trường tiểu học Khánh An chờ lấy vảy cá từ làng khô chở đến bán gây mùi thối bị bà con chửi dậy. Dân ở đây chỉ biết bán chứ chẳng ai quan tâm chuyện họ mua để làm gì”, chị Kiến tâm sự.
Nhiều ngày qua, PV liên tục có mặt tại làng khô Khánh An với mong muốn tìm cho được người mua vảy cá về chế biến. Tuy nhiên có vẻ như dân mua bán vảy giấu giếm chuyện họ đang làm. Bởi hễ chúng tôi xuất hiện là họ ngưng mua.
Mặc dù có người nói mới bán ràng ràng, nhưng đến hỏi người mua thì liền nói đã nghỉ bởi lái vảy cá ở xa đã ngưng “ăn hàng”. Và cứ thế mà câu chuyện mua vảy cá để làm gì vẫn còn… bí ẩn.
Chị dâu bà con của chị Kiến nói: “Họ mới ngưng mua 2 ngày nay. Tui chỉ là người mua rồi bán lại kiếm lời. Ai mua thì tui bán, chứ tui có biết họ mua để làm gì đâu. Tui bán lại giá 2.000 đồng/kg vảy và 1 ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng.
Quét gom vảy cá.
Ngay cả thương lái đưa xe tải đến chở vảy cá đi cũng là trung gian, chứ chưa là chủ cuối cùng nữa. Họ chở vảy đi đâu chẳng rõ. Có người đồn họ mua rồi bán sang Trung Quốc. Nhưng bán ở đâu chẳng hại gì. Trung Quốc mua nhiều thì đỡ cho dân. Bởi vảy cá xưa nay bỏ đi, giờ bán được có tiền”.
Trên mạng internet có người rao tin tìm mua nhiều loại vảy cá với số lượng lớn và lâu dài. Có thể để họ chế biến bột cá, là loại thức ăn dành cho chăn nuôi cá các loại. Ở đó còn thông tin rằng, các nhà dinh dưỡng học cho biết trong vảy cá có chứa nhiều chất Lecithin, có tác dụng tăng cường trí nhớ và kéo dài sự lão hóa của tế bào não.
Vảy cá có rất nhiều loại axít béo không bão hòa, đề phòng các loại bệnh như: bệnh mạch vành của tim, tắc mạch máu não, cao huyết áp. Trong vảy cá còn có nhiều loại nguyên tố vi lượng, đặc biệt là canxi và phốt pho, có thể đề phòng được bệnh còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người già…