Theo những quy định mới, bò hoặc trâu chỉ được phép mua bán tại các chợ nếu có giấy tờ xác nhận của người sở hữu rằng con vật sẽ không bị bán để giết mổ. Ngoài ra, bất kỳ ai thu mua gia súc đều phải xuất trình một loại giấy tờ cho thấy người này là "nông dân".
Quy định này được xem là một phần của đạo luật mới nhằm chống lại tình trạng đối xử tàn ác với động vật. Tuy nhiên, các nhà bình luận lại cho rằng đây là bước đi nhằm xoa dịu những người theo đạo Hindu đang ủng hộ chính quyền Thủ tướng Narendra Modi. Bò được xem là linh vật của cộng đồng người theo đạo Hindu chiếm phần lớn dân số Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với những người theo đạo Hồi, Cơ Đốc giáo hoặc người Dalit (bị xem là đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ), thịt bò lại là nguồn thực phẩm quan trọng do giá thành rẻ. Vì vậy, luật lệ mới của chính phủ Ấn Độ đã vấp phải sự phản đối từ những cộng đồng này.
Ông Pinarayi Vijayan, Thủ hiến bang Kerala (nơi có nhiều người Cơ Đốc giáo sinh sống), gọi đây là "cuộc tấn công rõ ràng vào đa số chúng ta". Theo lời ông Vijayan, luật này sẽ cướp đi việc làm của hàng trăm ngàn người, làm tê liệt ngành công nghiệp da và ảnh hưởng đến bữa ăn của hàng triệu người. Đáp lại, Bộ trưởng Môi trường Harsh Vardhan cho biết luật mới chỉ áp dụng cho việc buôn bán tại các khu chợ và không ảnh hưởng đến việc mua bán gia súc trực tiếp tại trang trại.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thịt trị giá 4 tỉ USD của Ấn Độ lại tập trung vào các chợ gia súc và do người Hồi giáo lẫn Dalit chi phối. Họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi luật mới. Tại TP Aurangabad, thuộc bang Maharashtra, anh Mohammad Qureshi, 31 tuổi, buồn rầu cho tờ Los Angeles Times biết tình hình kinh doanh thịt bò của gia đình đang giảm sút. Trước đây, gia đình anh Qureshi vẫn có khả năng xoay xở khi lệnh cấm không bao gồm thịt trâu nhưng hiện nay, ngay cả trâu cũng không được phép bán để giết mổ. Giới quan sát còn chỉ trích chính phủ Ấn Độ khi đòi hỏi những người buôn bán gia súc cung cấp thêm giấy tờ trong khi phần lớn họ đều nghèo khổ và không được giáo dục đầy đủ.