Ấn Độ mở đường cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của riêng mình

GD&TĐ -Ấn Độ đã chấp thuận phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm khi nước này chuyển hướng sang giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu quốc phòng.

Mô hình máy bay AMCA.
Mô hình máy bay AMCA.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã phê duyệt "mô hình thực hiện" để phát triển máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến (AMCA) với khoản đầu tư 175 triệu đô la.

Cơ quan Phát triển Hàng không sẽ dẫn đầu chương trình thông qua quan hệ đối tác trong ngành, theo thông báo của chính phủ vào ngày 27/5.

AMCA là dự án đầy tham vọng của quốc gia Nam Á này nhằm phát triển một loại máy bay chiến đấu đa năng có khả năng tàng hình cho Không quân và Hải quân Ấn Độ.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, trong quá trình phát triển dự án, các cơ hội bình đẳng được cung cấp cho cả tư nhân và công cộng trên cơ sở cạnh tranh.

Những người tham gia có thể đấu thầu độc lập, với tư cách là liên doanh hoặc là một phần của một tập đoàn. Điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với thông lệ truyền thống là trao các dự án R&D quân sự tiên tiến độc quyền cho các cơ quan nhà nước.

AMCA là máy bay chiến đấu tàng hình một chỗ ngồi, hai động cơ, mọi thời tiết, đa chức năng được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm giành ưu thế trên không, thực hiện các cuộc tấn công mặt đất, chế áp hệ thống phòng không của đối phương và tiến hành chiến tranh điện tử.
Chương trình máy bay chiến đấu đã nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc từ Ủy ban An ninh Nội các, do Thủ tướng Narendra Modi làm chủ tịch, vào năm ngoái. Thủ tướng Modi đã đưa sản xuất vũ khí nội địa trở thành một trong những mục tiêu cốt lõi của chính quyền ông.

Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) do nhà nước Ấn Độ hậu thuẫn có kế hoạch tung ra nguyên mẫu đầu tiên của AMCA vào năm 2027. Sau đó, các nguyên mẫu sẽ trải qua các thử nghiệm phát triển và vũ khí, với việc sản xuất hàng loạt dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2035.

Các quan chức đã tuyên bố trước đó rằng, Không quân Ấn Độ có ý định mua ít nhất 125 chiếc AMCA với hai cấu hình khác nhau.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan vào đầu tháng này, thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Ấn Độ.

New Delhi đã sử dụng cả vũ khí nước ngoài, bao gồm máy bay chiến đấu và các hệ thống khác có nguồn gốc từ Nga và Pháp, cũng như vũ khí do trong nước sản xuất, để chống lại Pakistan.

Không quân Ấn Độ từ lâu đã dựa vào các máy bay chiến đấu do Nga thiết kế, bao gồm máy bay chiến đấu Su-30MKI và MiG-29.

Ấn Độ đã sản xuất Su-30MKI từ năm 2004 theo giấy phép của Nga. Hindustan Aeronautics Limited thuộc sở hữu nhà nước đã sản xuất hơn 220 máy bay này, được coi là xương sống của phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ.

Đầu năm nay, Nga cũng đã giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi Su-57 Felon, ra mắt lần đầu tại triển lãm quốc phòng lớn nhất Ấn Độ, Aero India.

Nhà xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho rằng, xét đến sự hợp tác hiện có giữa Moscow và New Delhi, Ấn Độ có thể nhanh chóng nâng cấp các dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu do Nga thiết kế hiện tại để lắp ráp máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ