Hôm qua, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với 314.835 ca khi làn sóng dịch thứ 2 làm dấy lên những lo ngại mới về khả năng đối phó của các dịch vụ y tế vốn đang rất căng thẳng. Các quan chức y tế trên khắp miền bắc và tây Ấn Độ, gồm thủ đô New Delhi cho biết họ đang rơi vào khủng hoảng khi hầu hết các bệnh viện đều kín chỗ nhưng hết oxy.
Các bác sĩ ở một số nơi khuyên bệnh nhân nên ở nhà trong khi một lò hỏa táng ở phía đông thành phố Muzaffarpur cho biết đang quá tải và các gia đình phải chờ đợi để đến lượt hỏa táng người thân.
Người phụ trách y tế Satyendar Jain ở New Delhi cho biết ở đây đang thiếu giường điều trị tích cực và đang cần thêm 5.000 giường bệnh nữa. Một số bệnh viện chỉ đủ bình khí oxy trong 10 giờ.
Ấn Độ đã tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin nhưng chỉ một phần nhỏ dân số được tiêm. Nhà chức trách cho biết, từ ngày 1/5, vắc xin sẽ được tiêm cho bất kỳ ai từ 18 tuổi trở lên nhưng Ấn Độ sẽ không đủ vắc xin để tiêm cho 600 triệu người đủ tuổi.
Các chuyên gia y tế cho rằng Ấn Độ đã mất cảnh giác khi virus dường như đã được kiểm soát trong mùa đông, thời điểm số ca mắc hàng ngày khoảng 10.000 người và nước này đã dỡ bỏ các quy định hạn chế cho phép tụ tập đông người.
Một nguyên nhân nữa của tình trạng tồi tệ được đưa ra là các biến chủng virus mới, đặc biệt là biến chủng có “đột biến kép” có nguồn gốc từ Ấn Độ đã gây ra làn sóng dịch dữ dội này.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này có 15,93 triệu ca, trong đó có 184.657 ca tử vong.
Lào đã phong tỏa thủ đô và các đường biên giới sau khi các định một ổ dịch Covid-19 liên quan tới nước láng giềng Thái Lan. Biện pháp này được đưa ra sau khi 28 ca mắc mới được phát hiện hôm 22/4, đưa tổng số ca mắc của cả nước lên 88 trong khi dân số Lào chỉ là 7,5 triệu người, gồm 700.000 người ở thủ đô Vientiane.
Hãng tin Vientiane Times cho biết 26 trong số 28 ca mắc mới là người dân của thủ đô đã tiếp xúc với một SV của ĐH quốc gia Lào và người này nhiễm virus từ một người Thái. 2 người còn lại là công nhân trở về từ Thái Lan.
Vào năm ngoái, Thủ đô Lào cũng đã phong tỏa từ ngày 1 đến 9/4 để chống dịch.
Thái Lan cũng đang chiến đấu với làn sóng dịch tồi tệ nhất nhưng chưa áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia. Mặc dù vậy, nhiều tỉnh đã ra lệnh cách ly người mới đến, đặc biệt là từ nơi vùng dịch. Hôm qua, Thái Lan báo cáo 1.470 ca mới, đưa tổng số ca mắc lên 48.000. Nước này cũng có 7 ca tử vong hôm qua – mức cao nhất từ trước tới nay – đưa tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 117 người.
Campuchia hôm qua báo cáo phát hiện thêm 446 ca dương tính với Covid-19, đưa tổng số ca mắc lên 8.193 ca, trong đó có 59 ca tử vong. Tại thủ đô Phnom Penh, cơ quan y tế phát hiện 331 ca mắc, gồm 329 người Campuchia, 1 người Trung Quốc và 1 người Indonesia. Trong khi đó số người hồi phục được xác nhận hôm qua là 130 người, đưa tổng số người hồi phục sau khi mắc Covid-19 ở Campuchia là 2.924.
Hôm qua, cảnh sát Campuchia cho biết đã bắt 26 người vì vi phạm lệnh phong tỏa thủ đô được áp đặt trong 2 tuần để chống dịch.
Tính đến hôm qua, gần 1,3 triệu người Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19. Trong số đó, 983.145 thường dân và 294.543 quân nhân.
Các nhà nghiên cứu từ Bộ Y tế Angola, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, ĐH Oxford (Anh), ĐH Capte Town (Nam Phi) và viện KRISP (Ấn Độ) đã cảnh báo về sự xuất hiện của một biến chủng SARS-CoV-2 với 34 đột biến. Trong số 34 đột biến trên, có 14 đột biến có thay đổi trong gai protein mà virus sử dụng để xâm nhập và bám vào cơ thể người.
Biến chủng Brazil có 18 đột biến (trong đó 10 đột biến ở gai), biến chủng Anh có 17 đột biến (trong đó 8 đột biến ở gai).
Biến chủng mới chứa sự thay đổi E484K đáng lo ngại, nó giúp virus đánh bại các kháng thể và nó cũng đã xuất hiện trong các chủng đáng lo ngại khác.
Đã có 3 du khách hàng không đến Angola từ Tanzania có biến chủng trên. Đây là một mối nguy hiểm vì Tanzania “có dịch bệnh nhưng phần lớn không có giấy tờ”. Nước này ghi nhận 509 ca mắc và 21 ca tử vong.
Các nhà khoa học cảnh báo biến chủng này cần “nghiên cứu khẩn cấp”.