Kế hoạch rời bỏ LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) và chuyển tới LĐBĐ Đông Á (EAFF) của bóng đá Indonesia đang có những bước tiến triển, khả năng họ chia tay AFF là khá cao. Mới đây, PSSI tiết lộ: “Chúng tôi đã liên hệ với Tổng thư ký của LĐBĐ Đông Á. Ông ấy nói rằng sẽ rất vui mừng nếu Indonesia gia nhập EAFF”.
“Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ thảo luận việc gia nhập EAFF một cách nghiêm túc. Xin cảm ơn các cổ động viên Indonesia vì lời khuyên của họ. Đó là bằng chứng cho thấy tình yêu của cổ động viên với đội tuyển. Nhưng chúng tôi phải bàn bạc kỹ lưỡng và phân tích yếu tố thiệt hơn. Chúng tôi không thể đưa ra quyết định ngay lập tức”.
Bình luận viên của Indonesia, Mohamad Kusnaeni cho rằng việc gia nhập LĐBĐ Đông Á sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho bóng đá xứ Vạn đảo. Mohamad Kusnaeni chỉ rõ các cầu thủ trẻ Indonesia sẽ mất đi những sân chơi để trau dồi kinh nghiệm nếu PSSI rời LĐBĐ Đông Nam Á.
“Việc đòi rời AFF là ví dụ cụ thể nhất cho thói quen của các cổ động viên online tại Indonesia. Đấy là cách mà họ phản ứng sau thất bại và chưa xem xét nhiều khía cạnh”, bình luận viên Mohamad Kusnaeni chia sẻ.
Theo báo chí xứ Vạn đảo, nếu Indonesia rời AFF, Ấn Độ có thể thay thế đội bóng này gia nhập Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á trong những năm tới. Tờ Bola Sport viết:
"Câu chuyện PSSI đòi ly khai khỏi Liên đoàn khu vực Đông Nam Á (AFF) đã trở thành chủ đề bàn tán trong suốt nhiều tuần qua. Chưa biết PSSI có thực sự ra đi hay không, nhưng rõ ràng đây là tín hiệu tốt lành cho Ấn Độ bởi đã từ lâu, họ luôn muốn gia nhập vào đại gia đình AFF để có một môi trường tốt hơn".
Ý định của phía Ấn Độ từng được xác nhận bởi quan chức của Liên đoàn bóng đá nước này hồi năm ngoái: "Mục tiêu của chúng tôi (chuyển đến AFF) là để đội tuyển quốc gia của chúng tôi có được sự cạnh tranh tốt nhất".
Phản hồi của AFF rất tích cực, nhưng chúng tôi đang mắc kẹt trong tình hình đại dịch Covid-19", -Tổng thư ký LĐBĐ Ấn Độ, ông Kushal Das từng tuyên bố trên Times Of India.
"Một khi AFF chấp nhận yêu cầu của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tham gia các giải đấu một cách nghiêm túc", ông Kushal Das từng hứa hẹn.
Từ đó tới nay, phía Ấn Độ chưa có thêm những động thái mới. Nhưng tờ Bola Sport khẳng định rằng trong bối cảnh PSSI đòi rời AFF, Ấn Độ hoàn toàn có thể thay thế đội bóng xứ Vạn đảo:
"Việc mời Ấn Độ, một đội tuyển có sức mạnh được đánh giá là ngang hàng với các thế lực Đông Nam Á sẽ mang đến nhiều nét tươi mới cho AFF Cup. Đây rõ ràng là một điều thú vị, tạo thêm sức hút cho giải đấu nếu như kế hoạch của Ấn Độ trở thành hiện thực".
Tờ Bola cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng thành công của Indonesia nếu họ rời bóng đá Đông Nam Á để sinh hoạt chung với bóng đá Đông Á. Tờ báo của xứ sở vạn đảo phân tích Ấn Độ sẽ được lợi lớn, được nâng cao trình độ nếu lấy được chỗ của Indonesia tại Đông Nam Á.
Bóng đá Ấn Độ có năng lực ngang ngửa với các đội mạnh ở Đông Nam Á. Năm 2019, đội bóng này từng đánh bại Thái Lan ở giải King’s Cup một cách khá thuyết phục.
Hiện Ấn Độ đang tồn tại cùng lúc tới… 2 giải vô địch bóng đá quốc gia diễn ra song song với nhau. Trước đây, I-League là giải đấu chính thức của Ấn Độ từ năm 2007 và được FIFA và AFC công nhận. Nhưng đến năm 2013, Liên đoàn Bóng đá Ấn Độ (AIFF) lại công bố sự ra đời một giải đấu mới với tên gọi Indian Super League (ISL), lấy ý tưởng từ Giải vô địch nhà nghề Mỹ (MLS).
Mùa giải đầu tiên của ISL bắt đầu từ năm 2014 với chỉ 8 đội tham dự. Đáng nói, không đội nào phải xuống hạng khi thi đấu ở đây.
Ngay trong mùa giải đầu tiên vào năm 2014, ISL đã bất ngờ tạo ra tiếng vang khi trở thành giải đấu có lượng khán giả đến sân đông nhất châu Á, trung bình 22.639 người/trận.
Con số này giúp ISL vượt mặt K-League (Hàn Quốc), J-League (Nhật Bản) và thậm chí trên toàn cầu, họ chỉ thua 4 ông lớn gồm Bundesliga, Premier League, La Liga và Serie A.
Trong khi ở I-League thì ngược lại, trừ những đội bóng có tiềm lực mạnh như Mohun Bagan và East Bengal, phần lớn các đội phải vận hành với kinh phí vô cùng hạn chế.