Chu kỳ thức - ngủ tự nhiên của cơ thể, hay còn gọi là nhịp sinh học, được phát hiện là có vai trò quan trọng duy trì sức khỏe. Trước đó, các nhà khoa học đã xem xét một nghiên cứu trình bày chi tiết những cơ chế mới trong tế bào chi phối sự thay đổi hoạt động của tim trong khoảng 24 giờ. Từ đó, đưa ra manh mối về lý do những người làm việc theo ca có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc ngủ không đều có thể mang lại tác động tương tự. Trong khi đó, những nghiên cứu khác cho thấy, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ phát triển các rối loạn chuyển hóa như cao huyết áp, béo phì và tiểu đường. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances đã chỉ ra hậu quả sức khỏe khi thường xuyên ăn đêm.
Tiến sĩ Marishka Brown - Giám đốc Trung tâm quốc gia của Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia Mỹ (NHLBI) - cho biết: “Đây là một nghiên cứu được kiểm soát chặt chẽ và có khả năng can thiệp đối với các tác động bất lợi của quá trình trao đổi chất liên quan đến việc làm theo ca”.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển 19 tình nguyện viên trẻ, khỏe mạnh (7 phụ nữ và 12 đàn ông). Người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên vào một quy trình phòng thí nghiệm có kiểm soát trong 14 ngày. Quy trình này liên quan đến các điều kiện làm việc ban đêm cùng lịch trình bữa ăn. Một nhóm ăn vào ban đêm và nhóm còn lại là ban ngày.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đánh giá tác động từ lịch trình bữa ăn đối với nhịp sinh học của người tham gia. Nhóm nghiên cứu phát hiện, ăn đêm làm tăng mức đường huyết - một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Trong khi đó, ăn vào ban ngày có khả năng ngăn chặn tác động này. Cụ thể, mức đường trung bình của những người ăn đêm tăng 6,4%. Trong khi đó, ở những người ăn vào ban ngày, con số này không tăng đáng kể.
Trưởng nhóm nghiên cứu Frank A.J.L. Scheer - Tiến sĩ, Giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard và là Giám đốc Chương trình Sinh học Thời gian Y tế tại Bệnh viện Brigham & Women ở Boston - cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên trên người chứng minh rằng, có thể sử dụng thời gian ăn như một biện pháp đối phó với những tác động tiêu cực do rối loạn dung nạp glucose và nhịp sinh học do làm việc ban đêm”.