Covid-19 có thể gây ra bệnh tiểu đường

GD&TĐ - Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học King’s College London, Anh và Đại học Monash, Australia đã tạo ra một cơ sở dữ liệu thông tin cung cấp bằng chứng cho thấy Covid-19 liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2.

Covid-19 có thể gây ra bệnh tiểu đường

Các nhà khoa học nhận thấy có sự gia tăng bất thường về số lượng người mắc bệnh tiểu đường vào năm ngoái và đặc biệt, một số bệnh nhân Covid-19 không có tiền sử tiểu đường đột nhiên phát triển căn bệnh này, theo Scientific American đưa tin. Xu hướng đã thúc đẩy nhiều nhóm khởi động các nghiên cứu về hiện tượng này.

Hơn 350 bác sĩ đã nộp báo cáo cho cơ quan đăng ký, The Guardian đưa tin. Các báo cáo bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 1, trong đó cơ thể tấn công các tế bào trong tuyến tụy sản xuất insulin và bệnh tiểu đường tuýp 2, trong đó cơ thể vẫn sản xuất một số insulin, mặc dù thường không đủ và các tế bào không phản ứng đúng với các nội tiết tố.

“Trong vài tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến ​​nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường trong quá trình nhiễm Covid-19 hoặc ngay sau đó. Chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng mối liên hệ có lẽ là đúng - có khả năng virus gây ra sự cố trong quá trình chuyển hóa đường” – Giáo sư Francesco Rubino, chủ nhiệm phẫu thuật chuyển hóa và bệnh lý tại Đại học King’s College  nói với The Guardian. 

Theo một đánh giá, bao gồm hơn 3.700 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, cho thấy khoảng 14% số bệnh nhân phát triển bệnh tiểu đường, theo Scientific American báo cáo. Một nghiên cứu sơ bộ trên 47.000 bệnh nhân tại Vương quốc Anh cho thấy 4,9% mắc bệnh tiểu đường, The Guardian đưa tin.

Có thể là SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19, tấn công trực tiếp vào các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Ngoài ra, virus có thể làm hỏng các tế bào này gián tiếp bằng cách lây nhiễm sang các bộ phận khác của tuyến tụy hoặc các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ quan này.

Vẫn còn một giả thuyết khác cho rằng virus lây nhiễm sang các cơ quan khác liên quan đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu, chẳng hạn như ruột, và bằng cách nào đó làm suy yếu khả năng phân hủy glucose của cơ thể nói chung.

Các loại virus khác, chẳng hạn như một số loại virus entero, gây ra nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm cả bệnh tay chân miệng - có liên quan đến bệnh tiểu đường trong quá khứ.

Ngoài ra, một nhóm nhỏ các bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV, virus gây bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng vào đầu những năm 2000, cũng phát triển bệnh tiểu đường sau đó, theo Tiến sĩ Mihail Zilbermint, một nhà nội tiết học và phó giáo sư tại Trường Y Johns Hopkins cho biết.

Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 thường được điều trị bằng thuốc steroid, chẳng hạn như dexamethasone, cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, có thể những steroid này cũng góp phần làm khởi phát bệnh tiểu đường ở bệnh nhân Covid-19, TS Zilbermint nói với CTV News.

Bệnh tiểu đường do steroid gây ra có thể thuyên giảm sau khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc, nhưng đôi khi, tình trạng bệnh trở nên mãn tính, theo Diabetes.co.uk.

Tuy nhiên, một yếu tố khác góp phần vào sự không chắc chắn về mối liên hệ là có bao nhiêu bệnh nhân đã trong tình trạng tiền tiểu đường, nghĩa là họ có lượng đường trong máu cao hơn mức trung bình, trước khi mắc phải Covid-19. 

Các nhà khoa học không chắc liệu những người phát triển bệnh tiểu đường sau khi nhiễm Covid-19 có bị
mãn tính hay không, theo Rabasa-Lhoret cho biết.

Theo một báo cáo năm 2010 trên tạp chí Acta Diabetologica, ở ít nhất một số bệnh nhân phát triển bệnh tiểu đường sau khi bị nhiễm SARS, các triệu chứng tiểu đường của họ giảm dần và lượng đường trong máu của họ trở lại mức bình thường sau khi khỏi bệnh.

Bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể gặp các triệu chứng tiểu đường tương tự, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng điều này sẽ cần được xác nhận với các nghiên cứu sâu hơn.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ