Ăn 3 bữa một ngày - lợi hay hại?

Thông tin được phát hiện mới đây cho hay việc ăn 3 bữa không phải là mô hình tốt cho con người, thậm chí còn đẩy con người vào bệnh tật. Vậy thực hư điều này ra sao?

Ăn 3 bữa một ngày - lợi hay hại?

Mới đây, tạp chí Mother Jones (Mỹ) dẫn phát hiện của nhà nghiên cứu lịch sử Abigail Carroll về việc ăn 3 bữa một ngày không có lợi cho sức khỏe. Mô hình này không phải là cách ăn chuẩn mà xuất phát từ các nước châu Âu, trải qua thời gian xâm lược và chiếm đóng những vùng đất mới. Người bản địa châu Mỹ có cách ăn theo từng mùa và ăn kiêng nhưng sau khi người da trắng định cư tại châu lục này thì cách ăn uống của họ đã bị thay đổi. Abigail Carroll cho rằng việc ăn ngày 3 bữa không có tác động tốt tới sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ.

Nghiên cứu cũng đề cập tới vấn đề bữa sáng được khuyến cáo là bữa quan trọng nhất là do chiến dịch quảng cáo chứ không phải vì lợi ích sức khỏe. Đại học Bath (Anh) cũng đã chứng minh rằng dù bạn ăn sáng hay không thì không ảnh hưởng đến tổng lượng calo được tiêu thụ cũng như cân nặng của cơ thể.

Trang này cũng đưa nghiên cứu tương tự của Đại học Alabama (Anh) cho thấy ăn sáng hay không chẳng tạo sự khác biệt nào đến người ăn kiêng đang cố gắng giảm cân. Thậm chí việc nhịn ăn có thể thực sự tốt cho sức khỏe khi vừa giúp giảm cân, vừa làm tăng tuổi thọ và huyết áp thấp hơn.

Thông tin trên khá bất ngờ với nhiều người bởi các khuyến cáo dinh dưỡng đều cho rằng nên ăn đủ 3 bữa trong ngày, đặc biệt không nên bỏ bữa sáng. Để làm rõ điều này, Zing.vn đã trao đổi với bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Nên ăn mấy bữa?

Theo bác sĩ Hào, ăn 3 bữa là điều bình thường, đúng theo quan điểm dinh dưỡng. Tuy nhiên, sự phân phối lượng thức ăn cho 3 bữa có sự khác nhau. Bữa sáng là cung cấp năng lượng cho một ngày làm việc nên sẽ là bữa chính. Bữa trưa cũng tương tự nhưng có thể ít hơn. Riêng buổi tối, chúng ta có thể cho đây là bữa phụ vì đa phần đều ăn xong không hoặc ít hoạt động. Lúc này, năng lượng nạp vào sẽ biến thành năng lượng dự trữ khiến người ăn bị thừa cân, nặng hơn là béo phì, từ đó gây ra các bệnh nguy hiểm khác.

“Tóm lại không đưa năng lượng sẽ giảm năng suất lao động, học tập. Cách tốt nhất là ăn đều 3 bữa, bởi nếu không ăn, cơ thể sẽ bị đói, dẫn tới việc ăn các thức ăn khác, khi đó, người ăn có nguy cơ bị thừa cân nhiều hơn”, bác sĩ Hào cho hay.

Tại sao cần ăn sáng?

Theo bác sĩ Hào, sở dĩ chúng ta nên ăn bữa sáng bởi đây là buổi khởi đầu của một ngày mới, việc nạp năng lượng là điều cần thiết để cơ thể có thể hoạt động, lao động trong thời gian tiếp theo. Hơn nữa, khoảng thời gian trước đó (từ bữa tối hôm trước đến sáng ngày hôm sau), cơ thể đã không được cung cấp năng lượng. Khi cơ thể được bổ sung năng lượng kịp thời sẽ nâng cao hiệu suất công việc. Đó chính là lý do quan trọng nhất của việc phải ăn sáng.

Lý giải lý do tại sao bữa sáng được khuyến khích ăn nhiều, ăn no, còn bữa tối thì ngược lại, bác sĩ Hào cho hay bởi sau khi ăn sáng, cơ thể phải hoạt động rất nhiều nên năng lượng sẽ nhanh chóng bị tiêu hao. Buổi tối, năng lượng không được tiêu hao nên dễ dẫn đến tăng cân. Do đó, những người thừa cân, béo phì được khuyến nghị ăn ít vào bữa tối, chủ yếu nên ăn nhẹ, nhất là hạn chế lượng tinh bột, tăng cường rau quả.

Có nên nhịn ăn?

Vẫn theo bác sĩ Lê Quang Hào, việc ăn ít hay ăn nhiều cần phải dựa theo từng loại hình lao động để cung câp năng lượng đầy đủ nhất. Trong đó, có loại hình lao động nặng, lao động nhẹ. Chẳng hạn người ngồi văn phòng, ít đụng tay chân sẽ có nhu cầu năng lượng ít hơn người làm tay chân như thợ xây, bốc vác....

“Những năm gần đây, người thừa cân béo phì gia tăng nên người ta mới nhấn mạnh đến việc giảm và nhịn ăn. Còn với người bình thường, nhịn ăn thái quá sẽ thiếu năng lượng trường diễn, dẫn tới suy giảm nhiều chức năng hoạt động của cơ thể”, bác sĩ Hào trả lời trước thông tin nhịn ăn tốt cho cơ thể.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ