Nhờ những chương trình âm nhạc này mà chất lượng thưởng thức âm nhạc của khán giả đã có những bước phát triển mới.
Hội nhập với âm nhạc thế giới
Đến hẹn lại lên, những năm trở lại đây một số chương trình, dự án âm nhạc đã trở nên quen thuộc với khán giả. Sự chờ đợi cùng những háo hức của công chúng chính là động lực để những người làm chương trình cố gắng thật nhiều hơn nữa. Tháng 8 vừa qua, Chương trình “Hòa nhạc Toyota 2016” đã có bốn đêm diễn sôi động tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Theo thông lệ, mỗi năm, Toyota mang đến công chúng hai chương trình hòa nhạc được phân chia khá rõ: “Hòa nhạc cổ điển Toyota” với những dàn nhạc đẳng cấp thế giới biểu diễn ở trình độ cao, còn “Hòa nhạc Toyota” cộng tác với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mang đến cho công chúng những tác phẩm nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình.
Tuy nhiên năm nay, ngay trong Chương trình “Hòa nhạc Toyota” đã có những dấu ấn mới. Đó là nhiều tác phẩm kinh điển trên thế giới đã được các nghệ sĩ thể hiện với những cảm xúc thăng hoa. Khúc mở màn vở opera “Ruslan và Ludmila” là của nhà soạn nhạc Glinka - người tiên phong của nền âm nhạc cổ điển Nga. Tác phẩm dựa trên bài thơ của Pushkin, được xưng tụng là “Opera thần tiên” bởi vậy ngay phần mở đầu, người nghe được dẫn dắt tới miền cổ tích lãng mạn, bay bổng, đẹp đẽ của nước Nga.
Tiếp theo là bản concerto số 2 dành cho piano cung đô thứ của nhà soạn nhạc Rachmaninov mà giới âm nhạc hàn lâm thế giới đánh giá là một trong những bản concerto cho piano hay nhất và được yêu thích nhất thế kỷ XIX. Lần lượt những nhạc phẩm cổ điển nổi tiếng trên thế giới đã được dàn nhạc thể hiện rất thành công.
Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon 2016 - MMF) sắp tới sẽ có hàng chục nghệ sĩ, ban nhạc quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Scorpion (Đức), SaveUs (Đan Mạch), Last Train (Pháp), Rukhsana Merrise (Vương quốc Anh), Kite (Thụy Điển), DJ Julien Sato và VJ 100LDK (Nhật Bản), GoodLuck (Nam Phi)... Cùng với việc lựa chọn một số ca sĩ nổi tiếng có kỹ thuật thanh nhạc cao của Việt Nam, lễ hội sẽ hứa hẹn một không gian hấp dẫn cho những người yêu môn nghệ thuật này.
Chất lượng được đặt lên hàng đầu
Lý giải về hiện tượng có sự thay đổi trong Chương trình “Hòa nhạc Toyota”, theo NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thì: “Nhiều năm đưa âm nhạc hàn lâm đến với khán giả, chúng tôi hiểu và đo được trình độ thưởng thức của công chúng ngày càng cao hơn. Vì vậy, bữa tiệc âm nhạc lần này sẽ không thua kém bất cứ chương trình cao cấp nào trên thế giới. Có lẽ điều này cũng minh chứng cho thấy vai trò của công chúng là rất lớn trong việc kích thích những sáng tạo hết mình cho âm nhạc. Thị hiếu thưởng thức của công chúng là những gợi ý giúp các nghệ sĩ đầu tư những chương trình nghệ thuật có chất lượng phù hợp với gu thẩm mỹ của khán giả.
Ngoài sự góp mặt của hơn 60 nghệ sĩ trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, “Hòa nhạc Toyota” giới thiệu với công chúng tiếng đàn dương cầm đầy mê hoặc của nghệ sĩ tài năng Vũ Ngọc Linh, hiện là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Từng chơi độc tấu rất nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới với công chúng nước nhà, nhưng với một tác phẩm Nga thì đây lại là lần ra mắt của Vũ Ngọc Linh. Với trải nghiệm mới của mình, nghệ sĩ đã mang đến cảm xúc bất ngờ cho khán giả,
Chương trình Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon 2016 – MMF) sẽ có sự tham gia của ca sĩ Mỹ Linh và Tùng Dương. Tại đây, ca sĩ Mỹ Linh sẽ giới thiệu dự án âm nhạc “Chat với Mozart 2”. Còn ca sĩ Tùng Dương sẽ hát một nửa album “Rễ cây” chưa ra mắt, do chính nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện. Bên cạnh đó, ban nhạc PB Nation sẽ là gương mặt của phần biểu diễn Lucky Duck, lấy cảm hứng từ Truyện cổ Andersen.
Chia sẻ về việc có ít ca sĩ Việt Nam xuất hiện trong chương trình, nhạc sĩ Quốc Trung đã nêu lên quan điểm của mình: Các nghệ sĩ trẻ hiện nay hiếm những người tài năng thực sự, đủ sức đứng trên một sân khấu lớn, hiếm người có thể hát được liên tục 30 phút. Hơn nữa nhiều nghệ sĩ hiện nay bận chạy “sô”, hát phòng thu là chủ yếu, ít người có được những dự án âm nhạc đáng nhớ mà chủ yếu là ra một hoặc hai bài hát đơn lẻ.