Âm mưu tàn độc
Khởi nguồn của một âm mưu thuê giang hồ mưu sát lẫn nhau này xuất phát việc hợp tác làm ăn của hai doanh nhân. Hai người cùng hùn vốn mở chung một công ty, một làm trưởng và một làm phó.
Tháng 7/2000, Ngô Quang Chướng (còn gọi Ngô Quang Trưởng) và ông Đặng Xuân Sỹ (53 tuổi) hùn vốn mở công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải (trụ sở tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) do Chướng làm giám đốc, Sỹ làm phó giám đốc.
Đến năm 2005, phát hiện Chướng có nhiều sai phạm trong việc lập hồ sơ đền bù khống khi thực hiện các dự án, ông Sỹ nhiều lần làm đơn tố cáo đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Từ việc này, hai người thường xuyên mâu thuẫn và Chướng nuôi ý định thuê người đánh “dằn mặt” ông Sỹ.
Để thực hiện ý định này, Chướng thuê Vũ Văn Luân (tức Luân “Con”, là một đàn em trùm giang hồ Dung Hà) đánh dằn mặt cấp dưới và hứa sẽ trả công cho Luân “Con” bằng một miếng đất thì được Luân đồng ý.
Chướng đưa hình ảnh, địa chỉ nơi ông Sỹ cư ngụ cho Luân để Luân lên kế hoạch. Luân không trực tiếp ra tay mà chỉ đạo đàn em của mình là Nguyễn Thế Việt (47 tuổi, ngụ quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) thực hiện.
Xét về vai vế giang hồ, Nguyễn Thế Việt là đàn em của Vũ Văn Luân. Luân “Con” làm theo lệnh của Ngô Quang Chướng, phân công người giết ông Đặng Xuân Sỹ. Luân “Con” “chỉ đạo” Nguyễn Thế Việt và cử ba đàn em thân tín của mình tham gia.
Khoảng 21h ngày 1/9/2009, Việt cùng ba thanh niên đến nhà ông Sỹ, mục đích là để đe dọa không cho ông Sỹ tiếp tục gửi đơn tố cáo những việc làm khuất tất của Ngô Quang Chướng.
Khi đến gần nhà, Việt chỉ cho đồng bọn biết mặt để chúng dí dao vào người ông Sỹ, đe dọa sẽ đâm chết nếu ông Sỹ không rút đơn tố cáo, sau đó chúng bỏ di.
Ngày 18/9/2009, ông Sỹ tiếp tục gửi đơn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tố cáo những việc làm sai trái của Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hải. Gần một tháng sau, Ngô Quang Chướng nhận được giấy mời của Sở Kế hoạch và Đầu tư hẹn làm việc về nội dung ông Sỹ tố cáo.
Biết ông Sỹ tiếp tục tố cáo mình, Chướng diện thoại cho Lâm “Con” yêu cầu đàn em đâm hoặc đánh ông Sỹ khi đang điều khiển mô tô trên đường về nhà ngay sau buổi họp. Ngay sau đó, Lâm điện thoại cho Việt thực hiện yêu cầu của Chướng.
Sáng ngày 15/10/2009, Việt đến một khách sạn để phân công người trực tiếp đâm ông Sỹ. Tại khách sạn có 4 người, Việt phân công cứ hai người đi trên một xe, một cặp áp sát xe và đâm ông Sỹ, cặp còn lại làm công tác cản địa khi bị truy đuổi, còn Việt đi taxi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM để chờ lệnh của Chướng.
Trưa cùng ngày, khi ông Sỹ vừa ra khỏi Sở kế hoạch - đầu tư, Việt lệnh cho đồng bọn bám theo. Đến đoạn đường Hai Bà Trưng (quận 1), nhóm sát thủ ép xe vào lề đường rồi đâm 2 nhát vào lưng khiến ông Sỹ tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sau khi gây án, Việt bỏ trốn và đến tháng 6/2014, Việt bị cục C52 Bộ Công an bắt giữ theo lệnh truy nã đặc biệt.
Hồi tháng 5/2015, TAND TP. HCM đưa Nguyễn Thế Việt ra xét xử, tuyên phạt Việt mức án tử hình về ba tội danh: "Giết người", "Bắt giữ người trái phép" và "Cưỡng Đoạt tài sản". Cho rằng bản án không thỏa đáng nên Việt kháng cáo kêu oan.
Trả giá
Ngày 26/10, TAND Cấp cao tại TP. HCM đưa Nguyễn Thế Việt ra xét xử phúc thẩm về 3 tội danh trên. Tại tòa, Việt không thừa nhận hành vi tổ chức giết người.
Theo Việt, mình chỉ đóng vai trò là người đưa đồng bọn tới nhà ông Sỹ để đe dọa, không cho ông Sỹ tiếp tục gửi đơn tố cáo những việc làm sai trái của ông Chướng.
Việt không trực tiếp tham gia, không ra lệnh mà chỉ là người chỉ mặt ông Sỹ cho đám đàn em hành động chứ không phải là người tổ chức giết người. Việt còn cho rằng mình nhận lệnh từ Luân “Con” và Luân là người chỉ đạo đám đàn em hành động.
Thế nhưng, khi đại diện Viện KSND chất vấn rằng: “Bị cáo không có ý định tổ chức giết ông Sỹ sao lại gọi đàn em đến, phân công công việc của từng người? Bản thân Việt sao lại phải đi taxi đến Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM để chờ ông Sỹ họp xong sẽ ra hiệu cho đám đàn em hành động? Đến lúc này, Việt không nói gì mà chỉ cúi đầu.
Trước những lời bao biện của kể cầm đầu nhóm tổ chức giết người, Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, nếu Việt không có mặt chỉ đạo đàn em vào ngày 15/10/2009 thì ông Sỹ đã không bị giết hại nên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Việt tội giết người.
Ngoài tội danh Giết người, Việt cũng được xác định là có tội trong vụ Cưỡng đoạt tài sản và Bắt giữ người trái pháp luật. Theo đó, Việt cũng nhận lệnh của Luân “Con” tiến hành bắt giữ anh Nguyễn Xuân Vịnh, buộc anh Vịnh và anh Đồng Xuân Thiềng phải hoàn trả cho Luân 260 triệu đồng, là số tiền mà Luân thua bạc trong một lần chơi xóc dĩa ăn tiền do anh Vịnh làm nhà cái.
Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định hành vi của Việt là quá nguy hiểm cho xã hội nên cần có mức án nghiêm khắc nhất. Cần loại bỏ việt hoàn toàn khỏi đời sống xã hội mới có tính răn đe, phòng ngừa chung.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thế Việt y án tử hình về tội “Giết người”, 7 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, 1 năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, tổng hình phạt là tử hình.
Hai đồng phạm của Việt cũng nhận kết cục tương tự Liên quan đến vụ án này, năm 2011, TAND TP HCM cũng đã tuyên phạt Ngô Quang Chướng tù chung thân về tội Giết người. Luân “Con” lĩnh án tử hình tội “Giết người, “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Các đàn em thân tín của Luân nhận từ 14 đến 20 năm tù. Bản án này sau đó bị VKS cùng cấp kháng nghị còn gia đình bị hại kháng cáo đòi tăng án. Tháng 9/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối Cao tại TPHCM xử phúc thẩm lần 2, tăng hình phạt của Chướng lên mức án tử hình. |